Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đến Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi được chủ nhân Khu bảo tồn lan rừng lớn nhất Việt Nam chia sẻ về những kỷ niệm và hành trình "đưa lan về rừng".
Clip: Xông đất "kỳ nhân khùng" Đỗ Tuấn Hưng-người đã ròng rã hơn 20 năm tâm huyết gây dựng Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Khu bảo tồn lan rừng được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay. Video: Ngọc Giàu.
Đặt chân vào rừng lan Troh Bư chúng tôi ngỡ như đang đặt chân vào một khu rừng khộp thu nhỏ ở đâu đó trên vùng đất Tây Nguyên.
Ở đây, có hàng trăm cây gỗ quý đủ các loại, không khí trong lành, mát dịu khác hẳn với cảnh xô bồ, ồn ào nơi phố thị. Trên mỗi thân cây gỗ cổ thụ là hàng chục khóm lan, đủ các loại lan rừng đua nhau khoe sắc.
Đi dạo quanh khu vườn khiến chúng tôi mê mẩn như lạc vào "thánh địa" của lan rừng với hàng trăm loại hoa lan mọc chen chúc mà không khu rừng nào có được.
Cách trồng và chăm sóc lan của ông Hưng cũng rất đặc biệt. Ông Hưng không dùng chậu đất, chậu gỗ hay dùng các giá thể để trồng lan như người khác mà ông chọn cách đính những khóm lan lên từng cây rừng để cây sinh trưởng thuận theo quy luật tự nhiên.
Ông Hưng chia sẻ, lan rừng đẹp nhất khi mọc trên cây rừng, do đó khi đưa hoa lan về khu bảo tồn, ông Hưng cấy ghép lên cây rừng để cây tự phát triển mà không tác động gì thêm.
"Lan rừng vốn là loại cây khí sinh, sinh trưởng nhờ các chất dinh dưỡng trong nắng, gió và cây rừng. Tôi muốn để cây tự phát triển theo quy luật tự nhiên, đúng bản chất vốn có thì lan rừng mới thực sự đẹp. Nếu đem lan rừng bỏ vào chậu, trồng bằng các chất dinh dưỡng hóa học thì vẻ đẹp tự nhiên của lan rừng sẽ bị mất đi", ông Hưng chia sẻ.
Với cách trồng rất đặc biệt này, những khóm lan phát triển tốt chen chúc mọc trên những cây rừng to lớn, khoe đủ sắc màu.
Nói về ý tưởng sưu tầm, bảo tồn lan rừng, ông Hưng cho biết, bản thân ông vốn xuất thân nông dân nên từ nhỏ ông đã sống hòa mình với thiên nhiên, yêu hoa - cảnh và đặc biệt là lan rừng.
Với ông Hưng, lan rừng có sức hút mãnh liệt, bởi mùi hương nhẹ nhàng, vẻ đẹp quyến rũ, dịu dàng.
Trước thực trạng rừng ngày càng bị thu hẹp, lan rừng cũng dần hiếm khiến ông Hưng nảy sinh ý tưởng gây dựng cho mình một khu bảo tồn lan rừng, nhằm bảo tồn các loại gen hoa quý để dành cho con cháu muôn đời sau.
Do đó, năm 1995, ông Hưng quyết định gây dựng cho mình một khu rừng chỉ để sưu tầm, bảo tồn lan rừng. Ông mua lại 5ha rẫy cà phê rồi dành một nửa diện tích của rẫy để trồng các loại cây rừng và bắt đầu thực hiện ước mơ bảo tồn hoa lan rừng của mình.
Vài năm sau, khi khu rừng bắt đầu hình thành ông Hưng bắt đầu sưu tầm lan rừng cấy, ghép lên những thân cây rừng. Dần dà, khu rừng của ông Hưng đã tràn ngập nhiều loài hoa lan rừng. Trên mỗi cây rừng đều được cấy, ghép hàng chục giò lan rừng các loại.
"Ngày đó, rừng còn nhiều, lan rừng cũng bán rất rẻ, nên cứ mỗi lần đi công tác ở các xã, huyện tôi đều lân la đến các thôn, buôn gần rừng để mua lan. Có hôm vì quá thích một giò lan rừng mà tôi phải chạy xe máy hàng chục cây số để nài nỉ người dân bán lại cho...", ông Hưng kể.
Cũng theo ông Hưng hiện nay, rừng đã bị thu hẹp rất nhiều. Bên cạnh đó, việc chơi hoa lan rừng đã trở thành trào lưu nên lan rừng bị "săn" ráo riết. Những dòng lan rừng đẹp, nổi tiếng giờ đây hiếm xuất hiện ở những cánh rừng già.
"Các dòng hoa lan rừng đẹp như: Nghinh xuân, giả hạc, thủy tiên... đã bị "săn" hết. Giờ đây muốn vào rừng để ngắm một giò hoa lan rừng nở có thể nói là rất khó. Do đó, tôi cố gắng tái sinh, bảo tồn lại cái đẹp cho con cháu đời sau chiêm ngưỡng", ông Hưng tâm sự.
Dành gần nửa cuộc đời để sưu tầm lan, thực hiện ước mơ bảo tồn lan rừng, giờ đây ông Hưng đã sưu tầm được hơn 10.000 khóm lan với hơn 200 chủng loại lan rừng khác nhau. Trong khu bảo tồn có những loại lan rừng quý hiếm như: Giả hạc, long tu, cẩm báo, thủy tiên, phượng vỹ, ý thảo... đều được ông Hưng dày công sưu tầm.
Nói về khu bảo tồn, ông Hưng cũng chia sẻ thêm: "Lan rừng ngày càng hiếm, con cháu thế hệ sau chỉ biết ngắm cây lan phát triển qua chậu đất, nên tôi đã dành thời gian để tái hiện lại khu rừng lan thiên nhiên, đúng chất hoang dã, đúng bản chất cái đẹp giản dị thật của những loài lan rừng. Với tôi khu bảo tồn lan rừng là tâm huyết cả một đời. Mỗi khi mệt mỏi, áp lực công việc tôi lại về rừng Troh Bư. Ở đây tôi cảm thấy yên tĩnh, mọi street đều tan biến".
Với đam mê của mình, năm 2017, Khu bảo tồn lan rừng Trob Bư của ông Đỗ Tuấn Hưng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) vinh danh có bộ sưu tập bảo tồn lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Đó là thành quả hơn 20 năm dành trọn cho đam mê và động lực để ông Hưng tiếp tục cho hành trình bảo tồn lan rừng của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.