Xót lòng người mẹ mê muội dùng "bùa chú" chữa bệnh cho con

Chủ nhật, ngày 27/01/2013 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có người xúi chị Lan nên đi tìm thầy cúng bái xem sao. Dù không tin vào chuyện thần thánh nhưng nhìn con vật lộn với bệnh tật, chị tặc lưỡi sắm lễ và tìm đến một thầy bùa trong huyện.
Bình luận 0

Thầy bảo: “Hãy đem số bùa này về dán ở các cánh cửa chính và phụ, như thế "vong linh người âm" sẽ không vào được nhà. Cứ làm theo lời thầy, con chị sẽ khỏi bệnh. Thầy thương chị nên làm phúc cho thôi. Ai hỏi không được nói địa chỉ và danh tính của thầy. Nếu nói ra thì sẽ mất thiêng”. Vừa kể chuyện, chị Lan vừa chỉ cho chúng tôi xem những lá bùa màu vàng, ký hiệu nguệch ngoạc như giun, chữ Hán không ra chữ Hán, chữ Nôm chẳng ra chữ Nôm, được dán chắc chắn trên các cánh cửa trong nhà.

Trong một chuyến công tác ở vùng núi phía tây Quảng Trị, tôi được anh bạn người bản địa đưa đến thăm một gia đình có hoàn cảnh vô cùng éo le vì tin vào "bùa phép". Đó là gia đình chị Lê Thị Lan (49 tuổi), ở thôn Duy Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa.

Căn nhà gạch nho nhỏ của chị Lan không có cổng nhưng lại được rào cẩn thận bằng tấm lưới sắt cao 1,5 mét. Rót vội cốc nước mời khách, chị Lan thở dài bắt đầu câu chuyện: “Tôi phải rào sắt là để con Khánh, con Liên khỏi bỏ đi lang thang mỗi khi lên cơn”. Nhắc đến những đứa con bệnh tật, người mẹ lam lũ ấy lại nghẹn ngào nước mắt.

img
Nỗi ân hận muộn màng của người đàn bà dại dột

Chữa bệnh bằng "bùa phép"

Chị Lan sinh được 4 người con. Người con trai đầu là Lê Văn Danh, 26 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chị gửi vào một ngôi chùa ở Sài Gòn đã hơn 10 năm nay. Người con thứ 2 là Lê Thị Khánh (24 tuổi), mới tốt nghiệp một trường trung cấp y. Vì Khánh bị bệnh nên phải 3 năm rưỡi mới được ra trường.

Người con thứ ba là Lê Thị Liên (21 tuổi) đang theo học hệ trung cấp mầm non, Trường cao đẳng Sư phạm Đông Hà. Liên hiện phải bảo lưu kết quả vì bị bệnh. Người con út Lê Văn Đức (18 tuổi) phải bỏ học vào Đà Nẵng làm thuê kiếm tiền gửi về phụ mẹ chữa bệnh cho hai chị.

Trong 4 người con thì Khánh bị phát bệnh đầu tiên vào năm 21 tuổi. Sau một đêm ngủ dậy, đôi mắt Khánh trở nên vô hồn, đờ đẫn, không ăn uống và không nói chuyện với ai suốt cả ngày. Mấy hôm sau, tình hình vẫn vậy khiến chị Lan hốt hoảng, vơ vét tiền bạc rồi vay mượn thêm hàng xóm để đưa Khánh vào Bệnh viện Trung ương Huế.

Nhận thức còn hạn chế

Trao đổi về hoàn cảnh chị Lan, ông Phan Đình Miên - Chủ tịch UBND xã Tân Liên - cho biết: “Chị Lan là người ở huyện Triệu Phong theo chồng lên đây làm kinh tế. Vì trình độ chưa hết bậc tiểu học, nhận thức còn hạn chế, lại nghe theo lời dụ dỗ, lừa gạt của thầy bùa nên đã tin theo. Khi biết chuyện, chúng tôi cũng đã đến thăm hỏi, động viên và tuyên truyền cho chị không nên tin vào chuyện bùa chú, thánh thần. Chúng tôi cũng đang vận động người dân gom góp tiền để hỗ trợ chị Lan đưa con đi bệnh viện thăm khám”.

Bác sĩ bảo, thần kinh Khánh bị rối loạn và phát thuốc cho uống. Thế nhưng, hàng chục lần chị Lan chạy ngược, chạy xuôi vay mượn tiền đưa con đi chữa trị mà không có kết quả khiến chị chỉ biết nuốt nước mắt buông xuôi.

Mỗi khi lên cơn, Khánh la hét, xé áo quần, chạy lang thang ngoài đường bất kể ngày đêm, gặp ai cũng nói cười lảm nhảm. Hết cách, chị Lan đành xích con gái lại. Được một thời gian, thấy Khánh hết lên cơn, chị thả ra. Ai dè Khánh bắt xe đi Đà Nẵng, Quảng Bình. Đến khi người dân và chủ nhà trọ điện thoại báo, chị mới biết và lại đi vay mượn tiền để đón con về.

Trong hoàn cảnh éo le ấy, có người xúi chị Lan nên đi tìm thầy cúng bái xem sao. Dù không tin vào chuyện thần thánh nhưng nhìn con vật lộn với bệnh tật, chị tặc lưỡi sắm lễ và tìm đến một thầy bùa trong huyện.

Sau khi nghe chị kể hoàn cảnh, bệnh tình của con, chuyện chị bán đất chuyển về nơi ở mới, ông thầy phán rằng: “Mảnh đất chị đang ở có "vong linh" anh bộ đội chết trẻ, chưa vợ chưa con.

Thấy con của chị xinh xắn nên "vong linh" thích rồi yêu và ám vào con của chị”. Chị hối hả mua sắm lễ vật như lời thầy dặn và không quên đưa kèm 7 triệu đồng tiền cúng cho thầy. Không biết nhờ thầy “phù phép” hay thuốc của bệnh viện đến giờ mới phát huy tác dụng mà Khánh dần khỏe lại. Từ đó, chị Lan một mực tin rằng, con chị khỏi bệnh là nhờ "bùa phép" của bậc "thánh nhân".

Kết cục buồn vì mê muội

img
Những lá bùa dán trong nhà chị Lan

Thế nhưng, oái oăm thay, khi Khánh vừa đỡ bệnh thì người con gái thứ hai là Lê Thị Liên lại phát điên khi đang theo học hệ trung cấp mầm non của Trường cao đẳng Sư phạm Đông Hà (Quảng Trị). Liên phát bệnh y như chị của mình. Chị Lan không đưa con đi bệnh viện mà đưa thẳng đến nhà ông thầy bùa đã “chữa” cho Khánh trước đó.

Lần này thầy phán:""Vong linh" bữa trước thầy “trừ” khỏi con chị giờ nhảy vào yêu và ám con em”. Chị lại sắm sửa lễ vật và 5 triệu tiền cúng để nhờ thầy ra tay. Lần này, dù thầy đã “phù phép” hơn một năm nay nhưng bệnh của Liên vẫn không thuyên giảm. Chị đến hỏi thì thầy chống chế: “Nhà chị có đến 2 "vong" bộ đội ám. "Vong" anh bộ đội bữa trước biết không địch lại thầy đã gọi thêm "đồng đội" đến hợp sức nên giờ mạnh hơn”.

Để chống lại thế lực "âm" đó, gã thầy lừa đảo đưa cho chị Lan những "lá bùa" màu vàng có ký hiệu ngoằn ngoèo như giun để dán vào tất cả các cánh cửa trong nhà. Chị cũng không hiểu ý nghĩa của lá bùa mà chỉ biết rằng: “Thầy nói dán bùa để "con ma" không vào được nhà ám con Liên nữa.

Thầy cũng không quên dặn rằng, ai hỏi thì không được nói tên và địa chỉ của thầy kẻo bùa mất thiêng”. Tôi đếm khắp nhà chị Lan thấy có đến 16 lá bùa tất cả. Trong góc nhà, Liên đang ngồi thu lu trên chiếc giường tre cũ kỹ, mắt đờ đẫn, vô hồn. Hỏi chị đã đưa Liên đi bệnh viện chưa, chị nói chưa rồi im lặng lấy vạt áo lau nước mắt.

Người đàn bà bất hạnh thật thà tâm sự: “Tôi tiêu tốn hơn 10 triệu đồng mới chữa được bệnh cho cái Khánh. Còn cái Liên thì tốn nhiều hơn mà bệnh vẫn còn nguyên”. Qua câu chuyện, tôi biết để có tiền chữa bệnh, cúng thầy, nuôi các con và trả nợ, chị Lan đã bán hết đất vườn. Chồng mất cách đây hơn 3 năm vì bệnh ung thư. Một mình chị Lan phải gánh vác tất cả mọi việc trong gia đình. Không còn đất đai trồng trọt, chị nhận giữ trẻ để có tiền đắp đổi qua ngày.

Tài sản trong nhà giờ chẳng còn gì ngoài bộ bàn ghế nứt nẻ và 2 chiếc giường cũ kỹ. Câu chuyện đến đây thì người mẹ đáng thương này chỉ ngồi nức nở. Chị khóc vì hối hận lỡ tin vào "bùa chú" để đến giờ muốn đem con đi bệnh viện mà không có tiền. Hoàn cảnh của chị Lan cũng chính là bài học cho những ai mê muội, tin vào những chuyện "thánh thần", để rồi tiền mất tật mang và tự đẩy mình vào ngõ cụt.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem