Xử lý bưu cục như nào nếu vận chuyển hàng nhập lậu?

Phi Long Thứ tư, ngày 10/04/2024 06:56 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.
Bình luận 0

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng của Bưu cục Viettel Post Đồng Văn (thôn Há Hơ, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện 1.013 sản phẩm mỹ phẩm không có nhãn hàng hóa; 997 sản phẩm mỹ phẩm nhãn mác bằng tiếng nước ngoài được đóng trong 4 thùng bìa cát tông gắn mã vận đơn của Viettel post.

Xử lý bưu cục như nào nếu vận chuyển hàng nhập lậu?- Ảnh 1.

Phát hiện hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm không nhãn mác tại kho hàng Viettel Post Đồng Văn. (Ảnh: Tổng Cục QLTT)

Qua xác minh bước đầu, ông Nguyễn Văn Linh, đại diện Bưu cục Viettel post huyện Đồng Văn thừa nhận không có hóa đơn chứng từ liên quan số hàng hóa trên. Số hàng hóa trên được gửi từ tỉnh Lai Châu về thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn.

Đội Quản lý thị trường số 9 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiến hành các bước thẩm tra xác minh, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Viettel post, căn cứ danh mục hàng hóa cấm kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư 2020, Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Nghị định 43/2009/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP, “hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ đi kèm” không phải là hàng hóa cấm lưu thông, vận chuyển.

Do đó, theo quy định pháp luật bưu chính, Viettel post được quyền chấp nhận, vận chuyển hàng hóa mà không bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ đi kèm.

Tuy nhiên, đơn vị cũng sẽ xem xét làm chặt lại quy trình.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết: Đầu tiên cần phải hiểu hàng hóa nhập lậu bao gồm các loại hàng hóa nào?

Căn cứ theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng hóa nhập lậu như sau:

""Hàng hóa nhập lậu" gồm:

Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng."

Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nhập lậu là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Việc gửi hàng qua bưu điện ngày nay đã không còn xa lạ với người dân, các bưu cục thường nhận gửi tất cả các loại thư từ, hàng hóa theo yêu cầu khách hàng. Để đảm bảo bưu gửi được vận chuyển an toàn và không vi phạm pháp luật thì hàng hóa cần được nhân viên bưu điện kiểm tra trước khi gửi đi.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi gói hàng gửi qua bưu điện đều bị kiểm tra. Thực tế, bưu điện thường chỉ tiến hành kiểm tra những gói hàng có những dấu hiệu đặc biệt hoặc gây nghi ngờ. Đây cũng là quyền của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được quy định tại Điều 29 Luật Bưu chính 2010 như sau:

"Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính

Ngoài quyền và nghĩa vụ quy định tại Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính còn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

….. Kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hoá trước khi chấp nhận;

Từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính nếu phát hiện bưu gửi vi phạm quy định tại Điều 12 của Luật này và quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp;

…. Niêm yết công khai tại điểm phục vụ Danh mục vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính quy định tại Điều 12 của Luật này và các quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp.

Theo quy định trên thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có quyền kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hoá trước khi chấp nhận. Tuy nhiên, việc kiểm tra hàng hóa của Khách hàng không phải nghĩa vụ của bưu cục, bưu cục chỉ tiến hành kiểm tra các loại hàng hóa có dấu hiệu vi phạm quy định cấm gửi của bưu điện hoặc vi phạm quy định tại Điều 12 Luật Bưu chính, cụ thể:

"Điều 12, Luật Bưu chính Vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính:

Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông.

Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.

Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.

Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."

Theo các quy định, tại các website của các bưu cục cũng như tại địa điểm kinh doanh của bưu cục sẽ phải niêm yết danh sách về các loại hàng hóa cấm gửi, gửi có điều kiện để khách hàng tuân thủ và bưu cục sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra hư hỏng, thất lạc hoặc bị pháp luật truy cứu.

Vậy nếu phát hiện bưu cục vận chuyển hàng nhập lậu thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Nếu qua quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện phía bưu cục có dấu hiệu thông đồng, cấu kết, hỗ trợ, giúp sức với người phạm tội và biết rõ mục đích buôn bán kiếm lời của người này thì có thể bị xử lý:

Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

Trường hợp xử lý hình sự: Mức phạt của Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự là phạt tiền từ 20 triệu - 03 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 10 năm tùy tính chất, mức độ vi phạm. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Ngoài ra pháp nhân thương mại phạm tội cũng bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, 6 Điều này, có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đến 5 tỷ, đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01-03 năm.

Về mức phạt hành chính: Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 96/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt hành chính như sau:

Tùy vào hành vi vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Ngoài hình thức phạt tiền, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường và văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 96/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nếu số hàng hóa đó là hàng cấm

Căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, "hàng cấm" được giải thích như sau: "5."Hàng cấm" gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam."

Như vậy, hàng cấm là hàng hóa mà nhà nước Việt Nam cấm kinh doanh, cấm lưu hành và cấm sử dụng tại Việt Nam.

Cá nhân, tổ chức có hành vi vận chuyển hàng cấm sẽ phải chịu xử lý theo quy định pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ, người phạm tội sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm hình sự: Cá nhân, tổ chức có hành vi vận chuyển hàng cấm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vận chuyển hàng cấm, có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt dộng vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Về xử phạt hành chính: Nếu phạm tội nhưng chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị xử phạt theo Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi vận chuyển hàng cấm bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy thuộc vào hành vi vi phạm. Ngoài ra người phạm tội có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung hoặc buộc phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem