Ngày 7.1, tại Hà Nội Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp giải trình về thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới, góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Còn tiêu cực, nhưng chỉ là thiểu số”
Nêu vấn đề tại phiên giải trình, đại biểu Trần Du Lịch (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) đi thẳng vào vấn đề: “Chúng ta chưa đánh giá hết hệ quả nghiêm trọng của buôn lậu qua biên giới. Hệ quả là buôn lậu đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam, làm mất niềm tin với các doanh nghiệp làm ăn ngay thẳng, phá hoại nền nông nghiệp”.
Đại biểu Lịch đặt câu hỏi: Phải chăng vẫn tồn tại tiêu cực trong nội bộ lực lượng phòng, chống buôn lậu chứ nguyên nhân, gốc rễ vấn đề không phải do cơ chế hay phương tiện? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận tiêu cực còn tồn tại.
“Hàng năm, Ban chỉ đạo 127 T.Ư tổ chức họp đánh giá thì luôn nhận định có hiện tượng tiêu cực, kể cả lực lượng quản lý thị trường. Tuy nhiên, vấn đề tiêu cực theo tình hình Bộ Công Thương nắm được cũng chỉ là thiểu số, nếu không thì hoạt động này trên mặt trận phòng, chống tiêu cực đã không mang lại kết quả” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai bắt một vụ buôn pháo lậu qua cửa khẩu.
Trước câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) về việc tại sao lực lượng cán bộ quản lý thị trường không phải là ít, nhưng tình hình buôn lậu vẫn phức tạp, Bộ trưởng Hoàng cho biết: “Cả nước có 5.200 cán bộ quản lý thị trường, bình quân chưa đến 100 người làm quản lý thị trường ở 1 địa phương. Chi phí của nhà nước cho hoạt động này không phải nhỏ, nhưng vẫn còn rất mỏng”.
Khó xử lý hình sự vì luật chồng chéoMột vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên giải trình là vì sao nhiều vụ buôn lậu có tính chất nghiêm trọng chỉ được xử lý hành chính mà không chuyển sang xử lý hình sự. Đại biểu Nguyễn Thế Trường (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) băn khoăn: “Chế tài không đủ mạnh, không đủ sức răn đe thì vi phạm sẽ còn tiếp diễn”. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội) hỏi thẳng: “Dường như nêu ra giải pháp là quá khó. Chưa thấy nêu vấn đề về xử lý hình sự trong báo cáo, vướng ở đâu mà không thể xử lý hình sự?”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: “Buôn lậu qua biên giới ảnh hưởng nhiều đến ngành nông nghiệp, giảm uy tín về chất lượng hàng hóa nông nghiệp, trong đó phân bón, sản phẩm vật tư nông nghiệp, thuốc thú y đã phát hiện hàng giả. Tuy vậy, việc ngăn chặn còn nhiều khó khăn do cơ chế”.
|
Trả lời về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết: “Đúng là nếu buôn lậu hàng chục tỷ đồng mà chỉ phạt vài chục triệu đồng là không có tính răn đe. Tuy nhiên, nếu xử lý về hình sự cũng có nhiều điều khó.
Luật quy định muốn xử phải chứng minh hàng có qua biên giới, nhưng thực tế khi hàng đã vào đất liền, kể cả khi bị bắt thì tội phạm đều khai là mua ở chợ biên giới. Trong khi đó, văn bản Chính phủ lại cho phép cư dân biên giới mỗi ngày được mua 2 triệu đồng tiền hàng để mang về Việt Nam. Luật chồng chéo nhau nên bắt rồi vẫn không thể xử được”.
Trung tướng Lực cũng cho biết thêm, từ năm 2010 đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 3.007 vụ buôn lậu với 3.860 bị can, trung bình mỗi năm khởi tố 700 vụ và gần 1.000 bị can, riêng năm 2013 đã khởi tố 997 vụ với 1.281 bị can.
Cũng tại phiên giải trình, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Nếu chỉ bắt và xử lý những người mang, vác hàng lậu nhỏ lẻ ở khu vực biên giới thì không có nhiều ý nghĩa. Bởi tại khu vực này, nhiều người dân vì sinh nhai nên mới tham gia mang, vác hàng lậu một cách vô thức. “Nếu chỉ xử lý đối tượng này thì không phải là xử lý tận gốc và hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu sẽ không cao. Điều cốt lõi là phải giải quyết tốt công ăn, việc làm cho cư dân biên giới” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ.
Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có 117.714 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, 31.585 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; 156.240 vụ gian lận thương mại và 522.949 vụ vi phạm pháp luật khác. Qua đó thu được trên 23.336,3 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính là 10.275,3 tỷ đồng, phạt truy thu thuế là 8.629,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 4.431,5 tỷ đồng.
|
Long Nguyên (Long Nguyên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.