Xử lý trách nhiệm cán bộ nhìn từ vụ bà Kim Thoa: Chưa tương xứng

Thứ hai, ngày 07/08/2017 13:30 PM (GMT+7)
Từ đầu năm 2017, hàng loạt vi phạm của cán bộ cấp cao, lãnh đạo tập đoàn - tổng công ty nhà nước, ngân hàng… bị điều tra xử lý. Ông Trần Đại Hưng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính trung ương có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này.
Bình luận 0

Ông Trần Đại Hưng nói: Khi không còn giữ chức vụ nữa, tôi có thời gian tiếp xúc nhiều hơn, lắng nghe được nhiều ý kiến hơn. Nhìn chung, người dân rất hoan nghênh, phấn khởi trước phong trào đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian gần đây.

Nổi bật nhất là trách nhiệm của Ban chỉ đạo T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các cơ quan chức năng mà trực tiếp lãnh đạo là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra, sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan báo chí rất đáng ghi nhận. Nhiều cơ quan báo chí cũng là đơn vị phát hiện những vụ việc tham nhũng, lãng phí ở cơ sở.

img

Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (bìa trái); Bị can Trịnh Xuân Thanh (bìa phải).

Thưa ông, người dân vẫn rất lo ngại trước tình trạng không ít quan chức, cán bộ tham nhũng, vi phạm pháp luật nhưng vẫn “hạ cánh an toàn”?

- Theo tôi, đây là một thực tế nhức nhối. Việc phòng chống tham nhũng đã có bước chuyển biến nhưng chưa đều khắp, chưa liên tục. Chúng ta đã phát hiện nhiều vụ án lớn, đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm nhiều cán bộ. Bên cạnh đó, việc xử lý của chúng ta trong một số trường hợp vẫn chưa thật nghiêm. Nhìn vào hành vi, vi phạm của người có chức trách, có vị trí gây hậu quả chúng ta thấy rõ điều này.

Đối chiếu với luật pháp thì xử lý chưa tương xứng nếu so với những công dân bình thường. Với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng trước đây là Bộ trưởng Công Thương, việc cách những chức vụ đã qua khiến dư luận băn khoăn. Điều mà người dân quan tâm đó là làm sao phải buộc cán bộ vi phạm như ông Vũ Huy Hoàng phải khắc phục được hậu quả mà ông ấy đã gây ra. Cần xem xét có lợi ích gì đằng sau những hành vi của ông Vũ Huy Hoàng không. Có thu hồi được tài sản thất thoát hay không?

Ngay trong vụ bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa xác định có vi phạm nghiêm trọng, giờ đây cũng phải xem xét bà Thoa sai trong cổ phần hóa tại Công ty Điện Quang ra sao. Phải xem khoản nào bà Thoa lợi dụng chức vụ, hay làm không đúng quy định của Nhà nước để mà có biện pháp thu hồi.

Còn nếu chỉ cách chức thôi thì chưa đủ. Nếu làm đúng ra thì phải xem lại trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác trong việc bổ nhiệm bà Thoa làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Bà Thoa đã “thao túng” quá trình cổ phần hoá tại doanh nghiệp như vậy thì tại sao lại được bổ nhiệm thứ trưởng?

Thực tế cho thấy còn nhiều vụ việc sai phạm rất lớn về kinh tế, về bổ nhiệm nhân sự còn chậm được phát hiện xử lý hoặc khi phát hiện ra thì “tiền mất tật mang”, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và khó có khả năng thu hồi, thưa ông?

- Thực trạng này cho thấy sự thiếu chủ động của hệ thống các cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp tỉnh thành, huyện, xã. Tham nhũng tiêu cực liên quan đến cán bộ lãnh đạo phát hiện từ cơ sở rất ít. Thậm chí phát hiện ra rồi mà nếu không được sự đôn đốc của trung ương thì việc xử lý rất chậm.

img

 Ông Trần Đại Hưng.

Tôi ví dụ ngay như việc xử lý xây biệt thự, khách sạn tại bán đảo Sơn Trà, báo chí nêu lên, trên ép xuống thì mới xử lý được như vậy còn nếu không nêu lên, không chỉ đạo thì không biết thực tế sẽ đi đến đâu. Đây có thể nói là tồn tại lớn nhất trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay. Từng cơ sở, các cấp chủ động thì mới thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ trong cả nước.

Hạn chế thứ hai trong phòng chống tham nhũng lãng phí, theo tôi là sự phối kết hợp giữa các cấp ngành chưa thật đồng bộ. Nếu đồng bộ, kịp thời thì xử lý vụ việc rất nhanh.

Như trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh và nhiều đối tượng tham nhũng, vi phạm vừa qua bỏ trốn, phải truy nã. Đến khi cử tri có ý kiến, báo chí nêu vấn đề thì cơ quan nào cũng tìm mọi cách biện minh. Nếu các cơ quan nâng cao trách nhiệm trước công việc làm sao các đối tượng này có thể trốn ra nước ngoài dễ dàng như vậy?

Ngoài ra, với tư cách là người từng công tác nhiều năm tại Ban Nội chính trung ương, tôi cho rằng vai trò của Ban Nội chính trung ương, Ban Nội chính tại các tỉnh, thành ủy trong phòng chống tham nhũng cũng cần được nâng lên, tăng cường các hoạt động tham mưu cho Đảng và Nhà nước, có biện pháp hiệu quả hơn, đấu tranh quyết liệt hơn với các biểu hiện vi phạm, tham nhũng.

Trong 12 đại án mà Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2017 thì đa phần liên quan đến sai phạm của cán bộ ngành ngân hàng. Phải chăng ngân hàng là lĩnh vực lâu nay bị buông lỏng quản lý kéo dài, thưa ông?

Ngân hàng là một hệ thống rất đặc thù và không phải ai cũng vào kiểm tra được. Việc xử lý vừa qua cũng là một bước chấn chỉnh hệ thống ngân hàng. Nhiều ngân hàng yếu kém nhưng lại được bung ra “thả cửa”, gây ra hậu quả quá lớn.

Mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng còn rất nhiều sơ hở, rất dễ bị cán bộ ngân hàng lợi dụng. Bản thân công tác quản lý nhà nước trong hệ thống ngân hàng như tự kiểm tra, thanh tra, giám sát còn nhiều hạn chế. Phải xử lý nghiêm các vi phạm của cán bộ ngân hàng, không thể để  tổn thất đến hàng chục nghìn tỷ đồng rồi Nhà nước, nhân dân lại gánh chịu.

Nợ xấu trong ngân hàng phải làm rõ ai gây ra để xử lý nghiêm. Tôi ví dụ như vụ Trầm Bê, tại sao cả chục năm “tung hoành” trong hệ thống ngân hàng mà giờ mới phát hiện và xử lý? Có ai “chống lưng” hay bao che cho Trầm Bê không? Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước ra sao? Trong đấu tranh chống tham nhũng nếu những việc lúc đầu nhỏ nhưng không xử lý ngay thì sau này sẽ thành việc lớn, rất lớn.

Cảm ơn ông.

P.V (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem