Xử lý trách nhiệm thế nào vụ bé trai tử vong sau ca mổ lấy đinh nẹp xương tay?

Đ.V Thứ hai, ngày 20/07/2020 14:14 PM (GMT+7)
Luật sư đã có những phân tích xung quanh vụ việc bé trai 7 tuổi tử vong sau ca mổ lấy đinh nẹp xương tay ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước đang gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Sáng 19/7, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM đã thông tin đến chính quyền địa phương tỉnh Bình Phước về việc bé Lữ Đoàn Phi Công (7 tuổi) tử vong sau gần 5 ngày nhập viện cấp cứu tại bệnh viện này.

Có thể xử lý hình sự vụ bé trai tử vong sau ca mổ lấy đinh nẹp xương tay? - Ảnh 1.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, nơi xảy ra sự việc.

Trước đó, bé Công đã được đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM trong tình trạng hôn mê sâu, nguy kịch sau ca mổ lấy đinh ở tay tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Thi thể của bé Công đã được gia đình đưa về quê nhà ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Sáng 19/7, Công an tỉnh Bình Phước đã chính thức vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân cháu bé rơi vào tình trạng nguy kịch khi mổ lấy đinh ở tay.

Anh Lữ Đoàn Thủy, bố bé Lữ Đoàn Phi Công cho biết gia đình rất đau xót trước vụ việc bé Công tử vong.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đây là sự việc hết sức đau lòng, cần điều tra và xử lý nghiêm. Tuy nhiên, để biết rõ trách nhiệm thuộc về ai, phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng rồi mới có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo luật sư Cường, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có những nhầm lẫn, sai sót trong ca mổ này, vi phạm quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong; người có lỗi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về khám chữa bệnh" được quy định tại Điều 315, Bộ Luật Hình sự 2015.

Vị luật sư cho biết, hành vi có lỗi, dù là lỗi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng đến người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể là tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, có thể là tội vô ý làm chết người, tùy thuộc vào hành vi cụ thể... 

"Nếu nạn nhân thiệt mạng là nguyên nhân khách quan, các y bác sỹ đã thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc thì trách nhiệm hình sự mới không đặt ra. 

Tuy nhiên trường hợp gãy tay cũng ít khi tử vong, nếu mổ rút đinh mà tử vong, đó là chuyện bất thường. Có thể là nạn nhân sốc phản vệ, cũng có thể là nhầm lẫn trong việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ" - luật sư Cường nêu quan điểm.

Ngoài trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân có sai phạm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước còn phải có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại ở đây là chi phí cứu chữa, chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần... 

Hai bên chủ động thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

"Cho dù nguyên nhân gì dẫn đến việc cháu bé tử vong thì đây cũng là điều đáng tiếc, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ để làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý. Ngoài ra, xác định nguyên nhân của sự việc còn để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, để các ca phẫu thuật tiếp theo ít rủi ro hơn, tránh những cái chết oan uổng của bệnh nhân" - vị luật sư nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ việc, Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết đã nhận được báo cáo ban đầu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước.

Cụ thể, báo cáo số 955/BVĐK-KHTH do ThS.BS Trương Hữu Nhàn – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước ký nêu rõ: Ngày 13/7, gia đình đưa bệnh nhân đến khám tại khoa khám bệnh.

Qua thăm khám kiểm tra trước khi tiến hành phẫu thuật lấy đinh nẹp tay, sức khỏe của cháu Công hoàn toàn ổn định, không có tiền sử bệnh lý.

Đến 9h25 ngày 14/7, bé Công được đưa vào phòng để tiến hành gây mê và phẫu thuật. Đến 10h30 ca phẫu thuật xong, bệnh nhân Công được chuyển sang phòng hậu phẫu để theo dõi.

Nhưng 5 phút sau, bé Công có diễn biến nặng, thở yếu, nhịp tim nhanh nhỏ, mạch khó bắt. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, diễn tiến bệnh rất nặng.

Điều 315, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem