Giật mình: Thống kê đàn lợn Bình Phước sai lệch tới 50%, Cục Chăn nuôi vào tận nơi kiểm tra

Khương Lực Thứ hai, ngày 20/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Trước sai lệch lớn tới 50% tổng đàn lợn trong số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước và số liệu tỉnh Bình Phước gửi báo cáo Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã trực tiếp vào kiểm tra và phát hiện phía thống kê bỏ sót tới gần 100 trang trại với 680.000 con lợn.
Bình luận 0

Khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, câu chuyện thống kê đàn lợn chính xác để có chỉ đạo kịp thời, đúng hướng trong công tác phòng chống dịch cũng như phát triển chăn nuôi như: tăng đàn, tái đàn lợn... trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. 

Nhưng với việc khó khăn trong cách thức thống kê cũng như cập nhật số liệu, đã dẫn tới những sai lệch về tổng đàn lợn tại các địa phương.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi lý giải nguyên nhân thống kê đàn lợn tỉnh Bình Phước có sai lệch lớn tới 50% - Ảnh 1.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, có 9 tỉnh, thành phố có số liệu thống kê chăn nuôi, tổng đàn lợn cao hơn số liệu các tỉnh báo cáo.

"Có 9 tỉnh, thành phố số liệu thống kê đàn lợn cao hơn số liệu các tỉnh báo cáo; có 9 tỉnh số liệu thống kê đàn lợn tương đương các tỉnh báo cáo; có 45 tỉnh, số liệu thống kê thấp hơn các tỉnh báo cáo. Đặc biệt, Bình Phước số liệu thống kê đàn lợn chưa được 50% của số liệu tỉnh báo cáo" - ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Đến tháng 6/2020, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố (bằng văn bản), tổng đàn lợn của cả nước là 24,9 triệu con, bằng 79% so với tháng 12/2019. Số liệu từ các tỉnh cho thấy, có 9 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, cao nhất là tỉnh Bình Phước đạt 150%.

Tuy nhiên, khi so sánh số liệu tập hợp tác các tỉnh, thành phố gửi về Bộ NNPTNT và số liệu thống kê tại thời điểm 1/4 có sự sai lệch ở hầu hết các địa phương.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi lý giải nguyên nhân thống kê đàn lợn tỉnh Bình Phước có sai lệch lớn tới 50% - Ảnh 2.

Có nhiều cách, nhiều kênh thống kê nhưng không có kênh nào vào tới được cơ sở chăn nuôi lợn để thống kê mà chỉ qua điện thoại và những thông tin khác, nên số liệu về tổng đàn lợn đang có sự sai lệch.

Lý giải về số liệu thống kê sai lệch tới 50% ở Bình Phước, ông Trọng cho biết, đã trực tiếp vào kiểm tra và làm rõ thì thấy danh sách của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước thống kê so với các cơ sở chăn nuôi của tỉnh Bình Phước lệch nhau gần 100 trang trại với 680.000 con. 

Theo số liệu tỉnh Bình Phước báo cáo Bộ NNPTNT, cả tỉnh có hơn 1,3 triệu con lợn, tăng 150% so với thời điểm tháng 12/2019. Trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của tỉnh vào khoảng trên 880.000 con.

"Cán bộ thú y tỉnh Bình Phước khẳng định, những trang trại này người ta vẫn nuôi, vẫn đang có lợn" - ông Trọng khẳng định và cho rằng, vừa rồi có nhiều cách, nhiều kênh thống kê nhưng không có kênh nào vào tới được cơ sở chăn nuôi để thống kê mà chỉ qua điện thoại và những thông tin khác, nên dẫn tới những sai lệch như vậy.

Cùng với Bình Phước, một số địa phương khác cũng có sai lệnh khi thống kê, báo cáo về tổng đàn lợn là Bắc Giang (chênh gần 30%), Hà Nội (khoảng 10%).

Ông Trần Xuân Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ Vina AGri - Chi nhánh Hưng Yên cho biết: "Trải qua dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn ở Việt Nam đã giảm sút rất lớn. Theo các thống kê không chính thức, tổng đàn lợn bên ngoài thị trường chăn nuôi nhỏ lẻ có thể giảm sút đến hơn 60%. Hiện nay, tổng đàn còn lại tập trung chủ yếu vào các công ty có hệ thống chăn nuôi quy mô phát triển".

"Đàn lợn thịt của 15 doanh nghiệp ở tháng 6/2020 đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với tháng 1/2019 (trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi) là 66,35%, tăng so với tháng 1/2020 là 30,89%" - ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Trong khi đó, theo Bộ NNPTNT, việc tái đàn, tăng đàn lợn đối với khu vực chăn nuôi nông hộ, các trang trại vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, do tâm lý e ngại dịch bệnh tái phát, thiếu con giống, thiếu điều kiện cơ sở chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi và các trang trại còn gặp khó trong việc tiếp cận với chính sách về tính dụng, chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất. Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn. Hiện vẫn có 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tái đàn lợn dưới 70% so với trước thời điểm có dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Trọng, đến nay, có 18 tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ tái đàn, tăng đàn lợn, trong đó thành phố Hà Nội đưa ra chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/nái khi mua tái đàn; các tỉnh, thành phố khác hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng/nái.

Một số tỉnh khác hỗ trợ xây dựng trang trại mới khoảng 1 tỷ đồng. Riêng tỉnh Bình Phước có chính sách về đất đai, không thu thuế đất trong 5 năm nên thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư và đàn lợn, do đó con số đàn lợn mới tăng tới 150%.

Trước thực tế này, ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch thống nhất với Tổng cục Thống kê về số liệu chăn nuôi, trong đó trọng tâm là đàn lợn trong sản xuất.

Bộ trưởng lưu ý, cùng với việc đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương còn có sự sai số nhiều về số liệu đàn lợn, Cục Chăn nuôi phải tiến hành nắm cụ thể hơn số lượng và cơ cấu đàn lợn của 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn, số liệu về thức ăn chăn nuôi, năng suất vật nuôi... Trên cơ sở đó, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị về phương pháp và số liệu thống kê chăn nuôi sát hơn với thực tế sản xuất.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem