Xử lý xe quá khổ quá tải trên toàn quốc: Còn nhiều lúng túng

Thứ năm, ngày 19/09/2013 08:49 AM (GMT+7)
Tình trạng xe quá khổ, quá tải hiện đang khó kiểm soát, đặc biệt trên các tuyến quốc lộ. Bộ Giao thông -Vận tải (GTVT) cho biết: Sắp tới, sẽ triển khai đề án tổng thể kiểm soát tải trọng xe nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Bình luận 0
Khó xác định xe quá tải trọng

Trước đây, Bộ GTVT đã đồng ý cho phép xây dựng thí điểm 2 trạm cân trên Quốc lộ (QL)18 (Quảng Ninh) và Trạm cân Dầu Giây tại Đồng Nai. Tiếp tục nhân rộng mô hình trên, Bộ GTVT đã triển khai một số trạm cân tại QL5, QL10 (Hải Phòng), QL70 (Yên Bái), QL20 (Lâm Đồng). Đặc biệt, trong tháng 9.2013 đã triển khai sớm 10 trạm cân lưu động tại các tuyến đường có lưu lượng phương tiện cao, 57 trạm cân lưu động khác sẽ triển khai từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, việc thí điểm trạm cân lưu động còn mới và chưa được chặt chẽ, khiến việc thanh tra không đạt hiệu quả.

Nhiều địa phương lo ngại việc hạ tải sẽ khiến sự lưu thông hàng hóa vào địa phương bị ảnh hưởng.

Nhiều địa phương lo ngại việc hạ tải sẽ khiến sự lưu thông hàng hóa vào địa phương bị ảnh hưởng.

Vụ vỡ trạm cân ở Hà Tĩnh là một minh chứng. “Thực tế, việc thanh kiểm tra tải trọng luôn có vấn đề. Bản thân, địa phương thường lo ngại việc hạ tải xe khiến sự lưu thông hàng hóa vào tỉnh bị ảnh hưởng. Chính vì thế luôn có sự chỉ đạo châm chước. Đó là chưa nói đến có sự qua mặt và tham nhũng của bản thân lực lượng thực thi nhiệm vụ”, PGS-TS Tống Trần Tùng - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ (Bộ GTVT) phân tích. Trung tá Lâm Ngọc Thụ - Trạm trưởng Trạm CSGT Quảng Xương (Thanh Hóa) thì cho rằng, sự triển khai trạm cân không đồng loạt, thậm chí thiếu trách nhiệm sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các địa bàn nghiêm túc xử lý. Trung tá Trần Đình Khương - Trạm trưởng CSGT Trạm TTKS 5.1, Nghệ An cho biết. Do không có trạm cân, nhiều trường hợp lực lượng CSGT phải áp tải xe đi 20km ra đến trạm cân tư nhân mới có chứng cứ xử lý. Do cân đi thuê, mỗi lần cân phải trả cho chủ cân từ 70.000 - 100.000 đồng theo từng loại xe. Số tiền này lái xe trả nếu xe vi phạm tải trọng, còn không, CSGT phải trả. Chính vì vậy, lực lượng CSGT chỉ khi nào “chắc chắn” xe quá tải mới “dám” dừng xe để xử lý.

Sẽ ra quân kiểm tra tải trọng trên QL1

Trước những bất cập của vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định: Việc triển khai đề án tổng thể kiểm soát tải trọng xe còn chậm và nhiều lúng túng. Bộ trưởng yêu cầu: Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ cần ưu tiên vốn để thực hiện mua các thiết bị cân lưu động trang bị cho các tỉnh. Đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ nhằm triển khai vận hành tốt các trạm cân, tránh tiêu cực.

Theo PGS-TS Tống Trần Tùng - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ (Bộ GTVT), hiện nay, việc xác định xe quá khổ, quá tải không hề khó. Đó chính là các xe ben tải Trung Quốc được doanh nghiệp, chủ xe cơi nới thành thùng, xi-téc để tăng thể tích thùng/bồn chứa, nâng tải trọng khiến tình trạng quá tải phổ biến. Ngoài ra là các xe container chở sắt, thép, xi măng… quá khối lượng và mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận thấy.


Trước khi triển khai đồng loạt phải họp báo công bố kết quả thực hiện thí điểm và kế hoạch triển khai trong thời gian tiếp theo. Bộ trưởng cũng yêu cầu việc thực hiện phải dựa trên các nguyên tắc: Kiểm soát tải trọng xe phải bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhưng không gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, người dân. Đảm bảo các căn cứ pháp lý. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh tình trạng xe chở hàng quá tải, Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh, thành phố đồng loạt ra quân kiểm soát tải trọng xe trên tuyến QL1 và cả các QL khác trên cả nước. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để việc kiểm soát quá tải thành công.
Tuấn Trọng (Tuấn Trọng )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem