Tòa án sẽ quyết định áp dụng các biện pháp xử lý
Hôm qua (30.5), Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do luật này đụng chạm trực tiếp tới quyền cơ bản của công dân, vì thế, đã có tới hơn 70 đại biểu (ĐB) đăng ký phát biểu. Điểm mới nhất của dự thảo luật lần này là việc quyết định áp dụng các biện pháp xử lý sẽ giao cho tòa án quyết định. Đây là một quy định tiến bộ nhằm hạn chế thấp nhất việc lạm quyền hoặc áp dụng sai biện pháp ảnh hưởng tới quyền công dân.
|
CSGT Tiền Giang xử phạt chủ phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. |
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị rà soát lại việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính: “Việc trích, hỗ trợ cho các lực lượng cần phải xem xét lại và cần thống nhất phải nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) để dễ quản lý”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đồng tình: “Toàn bộ tiền phạt phải được nộp vào NSNN. Các khoản chi đối với cơ quan có nhiệm vụ thu, xử phạt cũng thực hiện theo Luật NSNN”.
Đa số ĐB đều tán đồng quan điểm phụ nữ bán dâm là nạn nhân, tình trạng mại dâm là một vấn đề xã hội và đề nghị bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: Không cần buộc họ vào cơ sở chữa bệnh vì hành vi của họ không gây nguy hiểm cho xã hội.
ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) còn chỉ ra thực trạng: “Cơ sở khám chữa bệnh không có chức năng đào tạo nghề, dạy văn hóa, không giới thiệu được việc làm”. Vị ĐB này còn đề nghị luôn không nên đưa cả đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh vì lo ngại BV sẽ trở thành nơi tàng trữ, mua bán ma túy.
Tăng phạt sẽ giảm vi phạm?
Không ít ĐBQH đã nhấn mạnh tác dụng răn đe, phòng ngừa của việc xử phạt hành chính, rằng mức tiền phạt đã lạc hậu đến mức “dân kêu, người thi hành cũng kêu” dẫn tới vi phạm ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) lưu ý việc tăng mức phạt tối đa cần xem xét để đảm bảo sự hợp lý.
Phản biện lại ý kiến “không nên đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh”, ĐB Minh Thắm (Lâm Đồng) lập luận rằng việc giáo dục nhân phẩm đang được thực hiện rất tốt, nếu không đưa vào thì sẽ ảnh hưởng đến công cuộc phòng chống AIDS. Thiếu tướng công an Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cũng lý giải: “Tôi hiểu nhiều ĐB lo rằng như thế là không nhân đạo, nhưng một số người bị bệnh xã hội cần chữa trị vì cộng đồng và vì chính bản thân họ”.
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cũng cho rằng mức phạt tiền cao không phải là biện pháp hữu hiệu để hạn chế vi phạm mà còn là mầm mống tạo điều kiện cho tiêu cực. Ông đề nghị mức phạt phải phù hợp với tình hình KT - XH và đời sống. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thậm chí còn cho rằng: Mức phạt mang nặng tính cảm tính, không dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn. ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) tính rằng: Khung xử phạt giữa mức tối đa và tối thiểu lên tới 20.000 lần là quá rộng!
Trung tướng Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng mức xử phạt vi phạm hành chính không nên vượt quá thu nhập hàng tháng của người vi phạm, bởi phạt gì thì Nhà nước cũng phải tạo điều kiện cho dân có thể sống được: “Cử tri cho rằng xử phạt bằng việc giữ phương tiện là cú đánh trí mạng vào người nghèo. Với nhiều người, giữ phương tiện có khi ảnh hưởng đến sinh kế cả một gia đình”. Ông đề nghị mức phạt cao nhất đối với cá nhân “không thể cao hơn hình phạt phụ nêu trong Luật Hình sự”.
Dự kiến luật sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này.
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.