Xử phạt xả rác, tiểu bậy: Cứ đăng lên báo để răn đe

Hồ Văn Thứ năm, ngày 16/02/2017 14:37 PM (GMT+7)
Đó là đề xuất của đại diện Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường TP.HCM (PC 49) tại cuộc họp triển khai Nghị định 155/2016/NĐ-CP của chính phủ “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” do Sở TN-MT TP. HCM tổ chức sáng 16.2.
Bình luận 0

Chỉ mới xử phạt 4 trường hợp

Theo vị cán bộ PC 49, để bảo vệ môi trường thành phố cũng như để người dân có ý thức chấp hành thì cần làm ngay, làm mạnh, quyết tâm làm từ đầu.

“Cần thiết khi có tang chứng, vật chứng, hình ảnh thì cứ cho báo chí đăng tải. Làm như thế sẽ có tính răn đe cao, người vi phạm biết e ngại sẽ chấp hành, người dân cũng nhìn vào đó mà ý thức hơn trong việc bảo về môi trường”, vị này nói.

img

img

Đại diện Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường TP. HCM phát biểu. Ảnh: Hồ Văn

Theo phản ánh từ các quận huyện của thành phố, kể từ khi triển khai Nghị định 155 (có hiệu lực từ ngày 1.2.2017), chỉ có 4 trường hợp bị xử phạt về các hành vi tiểu bậy, xả rác. Trong đó, Quận 1 xử lý 1 trường hợp tiểu bậy với mức phạt 2 triệu đồng.

Ba trường hợp còn lại bị xử phạt vi phạm hình thức xả thải, xả rác không đúng nơi quy định thuộc về huyện Bình Chánh. Theo một cán bộ phòng Tư pháp huyện, trong ba trường hợp xử phạt thì có hai trường hợp bị phạt mức 5 triệu đồng.

“Thực tế, việc xử phạt cũng rất khó áp dụng, đã cấm thì phải có mở. Nghĩa là cần xem nhà vệ sinh công cộng đủ chưa, nơi để rác thải đủ chưa, việc thu gom rác đúng giờ chưa? Phải triển khai cái này sau đó mới xử phạt vi phạm thì người dân mới tâm phục khẩu phục”, vị cán bộ này đề xuất.

Còn theo cán bộ phòng PC 49, quy định xử phạt tiểu bậy, xả rác không đúng nơi quy định thì trước hết phải tuyên truyền cho người dân biết những nơi được phép xả rác, vứt tàn thuốc, tiểu tiện… ở đâu.

Các quận huyện kêu khó 

Tại cuộc họp, nhiều quận huyện cho rằng Nghị định 155 rất khó áp dụng nên đang chờ chỉ đạo của Sở TN-MT.

Theo đại diện Quận 10, mức xử phạt theo Nghị định mới cao gấp 10 lần mức cũ không phù hợp với thu nhập của người nghèo.

“Nhiều khi phát hiện quả tang việc tiểu bậy nhưng do họ nghèo, không có tiền nộp phạt nên anh em “linh động” bằng cách yêu cầu họ đi lấy nước dội sạch chỗ vừa tiểu bậy", vị đại diện này nói.

Nhiều quận huyện khác thì cho rằng, nhiều khi khó phát hiện quả tang nhất là hành vi vứt, xả rác diễn ra rất nhanh, khó mà xử phạt kịp thời. Thậm chí khi bắt được quả tang, lập biên bản nhưng người vi phạm không hợp tác, chấp hành thì khó mà cưỡng chế nộp phạt vì không có biện pháp chế tài nào được quy định. Đó là chưa nói đến việc thông qua hình ảnh trích xuất từ máy camera nhưng đối tượng không thừa nhận, không hợp tác cũng đành chịu.

Tuy nhiên, theo đại diện PC 49, việc xử phạt dù khó nhưng nếu làm mạnh, làm quyết liệt thì sẽ có hiệu quả.

“Ví dụ bắt quả tang mà họ không chấp hành xử phạt thì cứ cho đăng hình ảnh lên báo chí họ phải biết sợ. Riêng xử phạt nguội (thông qua hình ảnh trích xuất từ camera) thì vẫn có cách làm, họ không thừa nhận thì yêu cầu họ cùng chúng ta đi giám định hình ảnh để lấy cơ sở xử phạt”.

img

Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện nghị định này rất khó. Ảnh: Hồ Văn

Nhiều quận huyện khác cũng cho rằng, việc xử phạt khó áp dụng ngoài mức phạt quá cao thì lực lượng làm nhiệm vụ mỏng, lương thấp đôi khi không tích cực làm việc. Lại thêm, xử phạt mà không kèm theo biện pháp chế tài như thu giữ giấy tờ, phương tiện thì khó mà yêu cầu đối tượng nộp phạt.

Ông Dư Huy Quang - Chánh thanh tra Sở TN-MT TP. HCM cho biết đúng là có quá nhiều vướng mắc khi triển khai.

“Hành vi xả, vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định có tính đặc thù là xảy ra tức thời, nhanh, vị trí vi phạm không cố định nên việc phát hiện rất khó khăn. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân mà mức phạt quá cao so với thu nhập bình quân nên rất khó để họ nộp phạt. Chưa có biện pháp chế tài, lực lượng mỏng, chưa được phép sử dụng thông tin từ người dân cung cấp… nên khó khăn là điều hiển nhiên”, ông Quang thừa nhận.

Cũng theo ông Quang, cái trước mắt là biện pháp tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người dân biết mà chấp hành.

Theo Nghị định 155, mức xử phạt thấp nhất cho các hành vi vi phạm là 500.000 đồng, cao nhất là 7 triệu đồng. Việc xử phạt thông qua hai hình thức trực tiếp (bắt quả tang) và gián tiếp (thông qua hình ảnh từ camera hay chụp hình và phải được trích xuất từ phương tiện của cơ quan có thẩm quyền).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem