Tuy nhiên, ngoài hình phạt cho hành động đánh kẻ trộm chó thì việc sửa đổi chế tài để răn đe kẻ trộm chó cũng rất đáng lưu tâm, bởi lẽ hành vi trộm chó mới là khởi nguồn của những hậu quả đáng tiếc như trên.
Theo một thống kê sơ bộ, trong vòng 3 năm trở lại đây đã có ít nhất 10 vụ kẻ trộm chó bị đánh chết. Đặc điểm chung của những vụ việc này là hành vi đánh người trộm chó được thực hiện bởi nhiều người, hi hữu có trường hợp như ở tỉnh Bắc Giang khi cả làng cùng ký đơn nhận tội.
Những dụng cụ bắt chó (Ảnh minh hoạ)
Trong vụ trộm chó ở huyện Yên Thành, Nghệ An hồi tháng 6, có tờ báo thực hiện một khảo sát với câu hỏi: “Khi bắt được cẩu tặc, bạn có nên...?”- với 3 phương án trả lời. Đáng ngạc nhiên là có đến 40,87% số người chọn phương án đánh chết.
Những con số thống kê trên cho thấy cùng với số vụ đánh chết người trộm chó đáng báo động, người dân dường như đã hành động theo tâm lý đám đông và pháp luật trở nên bất lực. Để không tiếp diễn những vụ việc tương tự, cần bắt đầu siết chặt chế tài luật pháp cho hành vi trộm chó để giải quyết vấn đề từ gốc rễ.
Mọi người đều biết chó không phải một tài sản vô tri mà còn là “tri kỷ” của con người, hay nói theo cách của một vị công an là “con chó không chỉ là vài trăm nghìn”. Như vậy, pháp luật hiện hành không thể “đe” được kẻ trộm vì “tang vật” dưới 2 triệu đồng. Không thể nói quy định mốc 2 triệu đồng cho tội trộm cắp tài sản là không hợp lý, nhưng pháp luật cũng cần “ứng phó” với thực tiễn. Hình phạt không nghiêm, kẻ trộm chó vẫn cứ hoành hành và ung dung vì cùng lắm chỉ bị xử lý hành chính.
Tham khảo pháp luật của một số nước khác sẽ thấy nhiều nơi cũng quy định hành vi trộm chó vào tội phạm hình sự. Lấy ví dụ Bộ luật Hình sự của Úc quy định tội trộm chó có thể bị phạt 1 năm tù. Hay như tiểu bang Newyork của Mỹ, tội trộm chó được xếp vào nhóm E (nhóm tội phạm ít nguy hiểm nhất) nhưng vẫn chịu khung hình phạt từ 1 đến 3 năm tù.
Điều này cho thấy rằng việc “hình sự hóa” hành vi trộm chó không còn quá mới mẻ. Quy định cụ thể về một hình phạt tù, hay một khoản bồi thường thật nặng cho tội này là điều các nhà làm luật cần lưu tâm, đây cũng là điều mà một số cán bộ nhà nước và giới luật học trong nước từng đề cập.
Linh Phạm (Linh Phạm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.