Xuân Trường coi khu du lịch Tràng An là di sản văn hoá thế giới nên không nộp tiền thuê đất?

Trần Kháng Thứ ba, ngày 18/02/2020 06:30 AM (GMT+7)
Theo luật sư Trương Anh Tú, nếu doanh nghiệp Xuân Trường cho rằng khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) là di sản văn hóa thiên nhiên Thế giới nên tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị thì chưa chính xác.
Bình luận 0

Di sản thuộc quyền sở hữu Nhà nước

Như thông tin Dân Việt đã phản ánh, Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2018. Đáng chú ý, trong thời gian tiến hành kiểm toán từ ngày 21/3 đến ngày 19/5/2019, Kiểm toán Nhà nước khu vực XI đã phát hiện vi phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường (gọi tắt doanh nghiệp Xuân Trường) với số nợ đọng hơn 25,7 tỷ đồng tiền thuê đất và không nộp báo cáo tài chính liên tục nhiều năm.

Thế nhưng, phản hồi lại kết luận kiểm toán trên, ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường chia sẻ trên báo chí rằng, doanh nghiệp này đang xem xét “kêu oan” về số tiền trên. Lý do doanh nghiệp này đưa ra là vì quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới nên tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị, bởi đó là tài sản của nhân loại...

img

Kiểm toán Nhà nước kết luận doanh nghiệp Xuân Trường chây ì nộp hàng chục tỷ đồng tiền thuê đất. 

Dưới góc nhìn luật pháp, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), cho hay: “Nếu cho rằng khu du lịch Tràng An là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới nên tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị, bởi đó là tài sản của nhân loại”, hiểu như vậy chưa chính xác. Chúng ta đang sống trong vùng lãnh thổ quốc gia dưới sự quản lý của nhà nước, vì vậy mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ các quy định và chính sách quản lý của Nhà nước.

Ngày 23 tháng 6 năm 2014, Ủy ban Di sản thế giới họp tại Doha đã công nhận Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Đây là là một vùng du lịch tổng hợp gồm Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính...

“Nhà nước thống nhất quản lý đất đai và quản lý di sản. Điều này khẳng định tại Điều 6 Luật Di sản văn hóa 2006, sửa đổi 2009 quy định: “Mọi di sản văn hoá ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước””, luật sư Tú dẫn chứng.

Về mặt quản lý di sản, theo luật sư Tú, Nhà nước trực tiếp quản lý di sản, ngay quá trình nộp hồ sơ đăng ký công nhận di sản thế giới cũng do Nhà nước thực hiện, nên không thể nói sau khi trở thành di sản thế giới thì tài sản là của nhân loại, Nhà nước không có quyền thu tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp với tư cách tổ chức được giao quản lý di sản cần phải chung tay gánh vác nhiều trách nhiệm hơn cùng với Nhà nước trong việc bảo tồn, phân bổ nguồn lực tài chính để duy trì, bảo vệ di sản, quảng bá đến cộng đồng và phát triển du lịch.

Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn phải nộp nghĩa vụ thuế (thuế và các khoản khác bao gồm tiền thuê đất) cho Nhà nước trước, sau đó nguồn tài chính còn lại mới được dùng để chi trả cho hoạt động khác. Nếu tiếp cận dưới góc độ dự án đầu tư càng thấy một điều chắc chắn, doanh nghiệp xin cấp phép và thực hiện dự án đầu tư, ví dụ như Khu du lịch Tràng An không ngoài mục đích kinh doanh, sinh lời thì việc đóng góp nghĩa vụ tài chính với nhà nước là điều phù hợp. Trừ trường hợp, dự án nằm trong diện ưu đãi đầu tư, được miễn, giảm tiền thuê đất…

Thiếu nghiêm khắc xử lý chậm nộp tiền thuê đất

Bình luận về việc chây ì nộp thuế của doanh nghiệp Xuân Trường, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, thuế là một lĩnh vực đặc thù, để kết luận doanh nghiệp có nợ thuế và các khoản thu khác (trong đó có tiền thuê đất) hay không, nợ bao nhiêu không hề đơn giản.

Đối với các dự án đầu tư như dự án khu du lịch Tràng An của doanh nghiệp Xuân Trường, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này rất rộng. Trước tiên phải kể đến luật đất đai, luật đầu tư để định vị dự án được triển khai theo hình thức nào, doanh nghiệp thuộc diện đóng thuế và tiền thuê đất cho Nhà nước như thế nào, rồi mới đến pháp luật về quản lý thuế để áp số tiền thuế, tiền thuê đất phải nộp...

Ngoài ra cũng cần xem xét đến sự phù hợp của dự án đối với các quy định của pháp luật chuyên ngành Di sản văn hóa, bởi quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014. 

Cũng theo ông Tú, trên phương diện quản lý thuế, nếu Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận doanh nghiệp nợ tiền thuê đất nhiều năm thì có thể xem là nguồn tin tin cậy và có hiệu lực thi hành (Theo quy định hiện nay, kết luận của cơ quan chuyên môn là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh trong các vụ việc dân sự tại tòa án).

Tuy nhiên, theo ông Tú, trong trường hợp không đồng ý, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khiếu nại, khởi kiện hành chính nếu cho rằng mình bị xâm phạm, cơ quan thuế có sai sót khi xác định số tiền nộp thuế… Như trong vụ việc trên, ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường cho rằng doanh nghiệp đang xem xét “kêu oan”.

Chia sẻ thêm về việc xử lý doanh nghiệp nợ tiền thuê đất trong thời gian dài, theo vị luật sư này, chính sách xử lý của Nhà nước hiện nay là doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng thời kỳ.

“Việc chậm nộp thuế nói chung (thuế và các khoản thu khác) là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế, do đó doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính dưới hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền và cưỡng chế thuế theo quy định tại Nghị định 129/2013/NĐ-CP. Nhưng Nghị định này không có quy định cụ thể về xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuê đất. Như vậy, đến nay chưa có cơ chế pháp lý nghiêm khắc xử lý việc chậm nộp tiền thuê đất của doanh nghiệp ngoài việc thu thêm tiền chậm nộp và cho phép cưỡng thu”, luật sư Tú nói.

Việt Nam là thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, ký tại Paris ngày 16/11/1972 và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP về bảo vệ, quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam (Pháp điển hóa về Công ước Di sản thế giới), Điều 17 quy định: “Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới bao gồm: a) Ngân sách nhà nước; b) Khoản thu từ phí tham quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước; c) Khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại di sản thế giới; d) Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đ) Các nguồn tài chính hợp pháp khác. 2. Các khoản thu nêu tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, được sử dụng để chi trả cho hoạt động trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem