Xuân về ở vùng biên A Mú Sung

Thứ sáu, ngày 13/01/2012 08:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong cái lạnh sắt se của vùng biên A Mú Sung mịt mờ sương khói, những người khách xa vẫn có thể cảm nhận được không khí của một mùa xuân mới đang đến gần qua sự náo nức của những đứa trẻ chân trần trên vách núi và nỗi nhớ nhà của những người lính biên phòng ôm súng giữ biên cương.
Bình luận 0

Đón Tết cùng... cây súng

Cách huyện lỵ Bát Xát (tỉnh Lào Cai) gần 100 km về phía tây bắc, xã A Mú Sung quanh năm chìm trong sương khói, rất đúng với cách gọi chệch "Ôi Mờ Sương" của những người bản địa. Lên vùng cao mây phủ này, bất chấp sự nhức nhối của những cơn gió núi cắn vào da thịt, chúng tôi vẫn cảm nhận được một mùa xuân mới đang tới gần trên những chồi cây.

img
Mùa xuân đến trên tấm áo mới của những đứa trẻ chân trần đi qua mùa đông. Nguyễn Thắng

Giấu đi nỗi nhớ nhà của người lính biên cương 4 năm rồi không được về quê ăn Tết với gia đình, Đại úy Lương Khắc Của - Chính trị viên phó Đồn biên phòng 267 - vui vẻ khoe với chúng tôi sự chuẩn bị công phu của đơn vị để đón năm mới con rồng.

Anh Của hồ hởi: "Cũng như mọi năm, năm nay Đồn biên phòng A Mú Sung chúng tôi vẫn tổ chức chăn nuôi, trồng trọt để tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm. Đến thời điểm này, chúng tôi đã có một đàn bò hơn 50 con, hơn chục con lợn, hàng trăm con gia cầm, 5 ao cá, 5ha ngô và hơn 10ha chuối.

Ngoài việc nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày, đó còn là một nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào để anh em cán bộ, chiến sĩ có một cái Tết Nguyên đán đầy đủ, vơi bớt nỗi nhớ nhà mỗi khi Tết đến".

Nói đến đây, người lính biên phòng đã gắn bó gần 20 năm với những dải đất biên cương không giấu nổi một ánh buồn sâu thẳm bất chợt hiện lên trong đáy mắt.

Đại úy Của chia sẻ: "Tôi là một trong số những người có kỷ lục 4 năm ăn tết xa nhà. Theo quy định, mỗi năm chỉ có 10% cán bộ, chiến sĩ của đồn được về quê ăn tết. Còn 90% quân số vẫn phải ở lại đơn vị bám dân, bám địa bàn. Tôi thường tranh thủ về thăm nhà vào những dịp nghỉ phép khác trong năm để nhường cho những anh em trẻ được về nhà trong dịp Tết. Đó cũng là một cách để động viên anh em gắn bó và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Quê ở tận Hưng Yên, đại úy Của được phân công lên vùng biên xa xôi cực bắc Lào Cai để làm nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Toàn bộ công việc gia đình và chăm sóc, dạy dỗ 2 đứa con nhỏ đều trông cậy vào sự đảm đang của người vợ hiền. Những đêm lạnh giá không ngủ được, nhớ vợ con da diết, anh lại giở những tấm ảnh gia đình ra xem để tìm niềm vui đoàn tụ. Anh tâm sự: "Ngày mới lấy nhau, thấy tôi đi biền biệt cả năm rồi Tết cũng không về, vợ tôi cũng không chịu nổi. Mãi về sau cô ấy mới quen và đồng cảm được với nhiệm vụ của người lính chúng tôi”.

Mùa xuân nơi mù sương

Mỗi khi nhớ nhà, đại úy Lương Khắc Của lại phóng xe lên cột mốc Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt - đứng lặng hàng giờ thả hồn theo dòng chảy tìm về sông Luộc - Hưng Yên để cảm nhận chút hơi ấm quê nhà.

Dẫu cuộc đời binh nghiệp nhiều gian khổ nhưng dù trong niềm vui đón xuân mới, đại úy Của và các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Mú Sung vẫn không quên "3 bám, 4 cùng" với người dân trên địa bàn. Dù ngày Tết của các dân tộc Dao, Mông, Phù Lá, Hà Nhì khác nhau nhưng khi Tết Nguyên đán của người Kinh đang đến gần, bà con các dân tộc nơi đây vẫn náo nức đón chờ mùa xuân đến và tổ chức Tết cho các chiến sĩ biên phòng - những người đem đến sự bình yên, con chữ, viên thuốc và những kỹ thuật nghề nông cho người dân.

Ngày 2 tháng Chạp vừa qua, trong ngày Tết của dân tộc mình, những đồng bào người Mông đã gánh cả thúng bánh giày lên biếu đồn biên phòng để ăn từ giờ cho đến Tết Nguyên đán. Già làng Giàng Cù Sáng còn ngả thịt một con lợn rất to rồi cắt mỡ luộc chín thành từng miếng nặng hơn 1 cân bắt các chiến sĩ biên phòng "ăn Tết". Dù rất cảm động trước tấm lòng của bà con nhưng mỗi khi nhớ lại sự quan tâm đó, các chiến sĩ biên phòng chẳng ai bảo ai đồng loạt rùng mình vì … ngấy.

Lang thang trên mảnh đất "Ôi mờ sương" những ngày cuối năm, tôi đọc thấy niềm vui háo hức chờ xuân đến trong ánh mắt trong veo của những đứa trẻ dân tộc đi qua mùa đông với những bàn chân trần đỏ tấy vì giá lạnh.

Cô bé Giàng A Súa, 5 tuổi, dù mải mê với con ngựa gỗ ở mảnh sân nhỏ của ngôi trường mầm non nhưng vẫn không quên hãnh diện khoe với tôi tấm áo mới mà mẹ cô bé mới mua cho ở phiên chợ Tết.

Theo chân cô bé Súa, tôi đến thăm ngôi nhà trình tường mà anh Giàng A Sênh, bố cô bé, đang cố gắng hoàn thiện để kịp đón một năm mới theo cái lịch của người Kinh.

Hồ hởi chào đón chúng tôi, anh Sênh cho biết, ngôi nhà này anh và mấy người họ hàng trong bản bắt tay vào làm gần một tháng nay và sắp hoàn thành. Ngôi nhà rộng 50m2, tường nhà được giã bằng đất núi có độ kết dính cao, dày đến 70cm.

Nhìn bề dày của bức tường đất nện, tôi mới tin câu nói người miền xuôi vẫn kháo nhau về độ chắc chắn "đạn bắn không thủng" của những ngôi nhà trình tường. Tấm fibrô ximăng được anh Sênh mua từ thị trấn về đang nằm chờ những cột gỗ pơ mu được dựng lên để làm mái thay cho cỏ gianh hoặc rơm rạ như lối cũ.

“Mỗi khi năm hết, đứa con nhỏ đang học mầm non suốt ngày bắt mẹ bấm điện thoại cho bố để hỏi bao giờ bố về ăn tết với con. Lần nào tôi cũng bảo "tuần sau bố sẽ về" nhưng rồi chẳng mấy khi thực hiện được lời hứa đó. Giờ mỗi lần nghe tôi hứa, cu cậu lại tỏ vẻ nghi ngờ "bố phải nhớ đấy nhé!". Những lúc ấy, tôi nhớ con đến rơi nước mắt".

Theo gia chủ thì cứ tốc độ này chỉ nửa tháng nữa là gia đình anh có một ngôi nhà mới để chào đón năm mới của người Kinh và bộ đội biên phòng.

Không chỉ một niềm vui, năm mới Nhâm Thìn này, gia đình anh Sênh còn nhiều tiếng cười hơn khi cậu em trai Giàng A Si chuẩn bị bắt vợ. Khi tôi hỏi chuyện bắt vợ, gã thanh niên 20 tuổi cười ngượng nghịu: "Cũng may nhờ bộ đội biên phòng mới bắt được vợ đó".

Hỏi kỹ ra tôi mới biết, tục lệ của người Mông nơi đây là nhà gái thường thách cưới nhà trai 60 đồng bạc trắng, 60 cân thịt, 60 bát rượu, 20 cân gạo. Rượu thịt thì không lo chứ 60 đồng bạc trắng là cả một gia tài đối với những gia đình nghèo.

Chính vì thế, có nhiều đôi trai gái thương nhau, ưng tiếng kèn lá réo rắt của nhau lắm rồi mà không có bạc trắng để kết duyên chồng vợ. Được sự vận động của các cán bộ biên phòng, giờ đây nhà người Mông có con gái chỉ thách cưới 20 đồng bạc trắng. Vậy là Si chỉ cần dắt một con trâu ra chợ bán lấy 15 triệu đồng là đủ để mua bạc trắng và rượu thịt để đi bắt vợ về.

Chia tay vùng biên cương đặc quánh sương mù để trở về phố thị, tôi vẫn nghe réo rắt đâu đây tiếng khèn nhớ người yêu của gã trai người Mông đang hạnh phúc trong mùa xuân mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem