Xuất hiện nhiều loài chim trong Sách đỏ ở Bạc Liêu

Thứ hai, ngày 25/07/2011 11:24 AM (GMT+7)
Cuối tháng 5, lúc bắt đầu những cơn mưa đầu mùa, chúng tôi trở lại sân chim Bạc Liêu và ngạc nhiên khi thấy có nhiều loài chim quý hiếm xuất hiện tại nơi đây.
Bình luận 0

Thực ra, chuyến đi này nằm trong khuôn khổ dự án bảo tồn sân chim do trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển (CBD) phối hợp với các cán bộ vườn chim Bạc Liêu. Chúng tôi đã có chuyến khảo sát trong 10 ngày để tìm hiểu thành phần, đếm số lượng tương đối của một số loài và lập ô mẫu để tính mật độ trứng, chim non trong sân chim.

img

Sân chim Bạc Liêu có hơn 100 loài chim, cò và hơn 60.000 cá thể khác trú ngụ. Với diện tích 130 ha, sân chim được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên và có ý nghĩa quan trọng trọng việc bảo tồn sinh cảnh đất ngập nước ven biển, bảo tồn nơi cư trú và sinh sản của nhiều loài chim nước, như: cồng cộc, diệc, bồ nông, vạc, điêng điểng…

>> Ngắm chim quý hiếm xuất hiện ở sân chim Bạc Liêu

Ngay từ những ngày đầu tiên, trên chòi quan sát 2 tại sân chim, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ở khu vực chim làm tổ, có nhóm cốc đế (Phalacrocorax carbo), điêng điểng (Anhinga melanogaster) và bồ nông (Pelecanus philippensis)… Đây là những loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.

Lúc đầu trên chòi quan sát, chúng tôi chỉ nhận diện được những cá thể bồ nông với số lượng là tám cá thể, điêng điểng loài định cư trong sân chim với số lượng tương đối nhiều: 141 cá thể. Còn nhóm cốc đế thì từ chòi quan sát, lúc đầu chúng tôi thấy rất giống nhóm cốc Ấn Độ (Phalacrocorax fuscicollis). Chỉ khi tiến hành khảo sát thành phần loài, theo các lối mòn trong rừng, chúng tôi mới xác nhận sự hiện diện của nhóm này ở đây. Cốc đế tập trung rất nhiều trong khu vực làm tổ của sân chim, khoảng 57 cá thể.

Đây là lần đầu tiên nhóm cốc đế, bồ nông tập trung nhiều ở sân chim (khảo sát năm 2003-2007 không có sự xuất hiện của hai loài này). Đó là dấu hiệu đáng mừng trong công tác bảo tồn của vườn chim Bạc Liêu, khi trong những năm gần đây số lượng nhiều loài chim quý hiếm ở Việt Nam đã và đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, áp lực mà sân chim đã và đang gặp phải là những hộ dân sống xung quanh vùng đệm vẫn thường xuyên vào bắt chim và lấy trứng trong khu vực làm tổ.

Do đó, ban quản lý sân chim cần có những biện pháp khắc phục những vấn đề trên như tuần tra các cửa ra vào, cũng như các lối mòn nhỏ trong sân chim và tuyên truyền cho người dân sống xung quanh vùng đệm hiểu được tầm quan trọng trong công tác bảo tồn của sân chim để phục vụ tốt hơn nữa việc bảo vệ các loài chim quý hiếm, cũng như lưu trữ tốt hơn nguồn gen quý, giúp cho công việc nghiên cứu khoa học sau này và tạo môi trường sống tự nhiên hơn, tránh sự tiếp xúc đối với con người để các loài này tiếp tục sinh sống, làm tổ trong sân chim.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem