“Ngành chè đang xáo động”
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu chè trong tháng 8.2018 ước đạt 13.000 tấn với giá trị đạt 21 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu chè 8 tháng năm 2018 ước đạt 81.000 tấn và 133 triệu USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Đang xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ở các vùng nguyên liệu chè. Ảnh: T.L
Các thị trường chính của chè Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 tiếp tục là Pakistan (với 37,3 triệu USD, chiếm 33,6%), Đài Loan (15,6 triệu USD, chiếm 14,0%), Nga (12,8 triệu USD, chiếm 11,5%), Trung Quốc (9,5 triệu USD, chiếm 5%), Indonesia (5,4 triệu USD, chiếm 4,8%) và Mỹ (4,3 triệu USD, chiếm 3,8%).
Điểm nhấn của xuất khẩu chè trong 7 tháng đầu năm 2018 là sự tăng trưởng của thị trường Pakistan, với tổng khối lượng tăng 1.500 tấn (tương đương 9,7%) so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chè của Việt Nam lại giảm mạnh ở 2 thị trường lớn là Nga, giảm 1.300 tấn (tương đương 13,2%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất giảm gần 2.000 tấn (tương đương 60,9%), khiến tổng lượng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm. Giá chè xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.642 USD/tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng có một điểm đáng chú ý. Đó là, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, thì ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhưng do người Trung Quốc làm chủ, cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp chè trong nước trong việc thu mua nguyên liệu. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam cũng thừa nhận điều này tại cuộc họp thường niên nhóm công tác PPP ngành hàng thuộc đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam. “Chưa bao giờ ngành chè lại xáo động đến thế. Biến động tỷ giá không khiến ngành chịu nhiều tác động nhưng hơn một tháng nay việc bán chè trở nên khó khăn, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải thu mua nguyên liệu” - bà Hồng nêu một thực tế.
Cũng theo bà Hồng, đang xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhưng do người Trung Quốc đi thu mua nguyên liệu chè và sẵn sàng mua với giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước khiến nhiều doanh nghiệp không cạnh tranh được.
Cần đa dạng hóa sản phẩm
Từ những khó khăn của ngành chè, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo cần có chính sách hỗ trợ vốn và công nghệ các doanh nghiệp chè trong đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chè. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thích hợp để ngăn chặn việc các doanh nghiệp Trung Quốc làm giá trên thị trường chè, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp Việt Nam
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng chè, bên cạnh việc nâng cao chất lượng thì ngành hàng chè cần có biện pháp khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh lượng xuất khẩu đang có xu hướng giảm như hiện nay. Đồng thời, cần đa dạng hóa các sản phẩm vào các phân khúc như chè hữu cơ, chè đặc sản để nâng cao giá trị gia tăng cho chè.
Thực tế, từ trước đến nay, khách hàng quốc tế vẫn “mặc định” các nhà sản xuất chè Việt Nam là những người có khả năng cung cấp khối lượng hàng hóa lớn nhưng chất lượng trung bình và giá rẻ. So với các nước trong khu vực, chè Việt Nam đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới. Nguyên nhân được cho là do không đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt. Vì vậy, bà Hồng cho rằng, muốn thâm nhập được vào các thị trường khó tính, điều cần làm là nâng cao chất lượng chè, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được những yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chè đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng chưa biết tận dụng bởi nhu cầu về loại thức uống này đối với người tiêu dùng thế giới vẫn rất lớn. Theo thống kê, có tới 158 triệu người Mỹ uống trà mỗi ngày, mỗi năm người Mỹ chi tới 80 tỷ USD cho các sản phẩm trà, vì vậy con số 4,3 triệu USD kim ngạch xuất khẩu chè vào Mỹ 8 tháng năm 2018 là quá nhỏ. Nhưng để tìm đường vào Mỹ cũng không hề đơn giản, bởi đây là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Muốn tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, không còn cách nào khác, ngành chè phải thay đổi cả về hình ảnh và chất lượng. Cũng theo bà Hồng, bên cạnh tin không vui, ngành vẫn xuất hiện điểm sáng, đó là đã có những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư chế biến sâu (chè matcha) để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Hy vọng, với những nhân tố này, ngành chè sẽ khởi sắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.