Làm cho người Nhật tại Việt Nam
IM Japan là tổ chức tiếp nhận lao động Việt Nam sang Nhật làm việc (miễn phí dịch vụ), cũng là tổ chức đi đầu trong việc kết nối việc làm cho lao động về nước với doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam.
Các lao động từ Nhật về nước được Công ty Esuhai giới thiệu kết nối đang làm việc tại các công ty Nhật ở Việt Nam. Ảnh: Hồ Văn
“Công ty đang sử dụng 6 lao động là những thực tập sinh trở về từ Nhật. Họ là những lao động đạt được kỹ năng tương đương lao động Nhật theo từng vị trí và gần như là lực lượng khó thay thế. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng nhất cho việc mở rộng, đầu tư của công ty vào Việt Nam”.
Ông Tanoi Junichi -
Tổng giám đốc Công ty Seebest (khu công nghiệp Việt Nam Singapore, Bình Dương)
|
Ông Masumi Higuma - nguyên trưởng đại diện IM Japan tại Việt Nam cho biết, trong khả năng và trách nhiệm, IM Japan đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp Nhật để tìm việc cho lao động, tránh tình trạng họ thất nghiệp khi đã tích lũy được kỹ năng tiếp thu từ Nhật. Mỗi năm hai đợt, IM Japan đều tổ chức đón lao động từ Nhật về nước tại TP.HCM và Hà Nội, đồng thời kết nối với doanh nghiệp Nhật phỏng vấn tiếp nhận lao động tại chỗ. Cách làm này đã giúp hàng trăm lao động tìm được việc làm ổn định.
Các doanh nghiệp tiếp nhận lao động Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã có những cách làm tương tự, thậm chí họ còn qua Việt Nam đầu tư công ty để tiếp nhận và tận dụng nguồn lao động mà họ đã đào tạo tại Nhật.
Ông Yanagi Seiichi - Tổng Giám đốc Công ty Sanup (một doanh nghiệp tiếp nhận đào tạo tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật) cho biết: “Nhiều lao động về nước không phát huy được tay nghề đã học hỏi từ Nhật vì không có việc làm hoặc làm trái nghề đã học”.
Trong một lần sang Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm ngành giấy dán tường, ông Yanagi Seiichi đã quyết định mở công ty tại Việt Nam để tận dụng nguồn lao động do chính công ty ông đào tạo.
Tập đoàn Kanto - một trong những tập đoàn tiếp nhận hàng ngàn lao động của Việt Nam sang làm việc tại Nhật, đã nhiều lần qua Việt Nam tổ chức giao lưu tại TP.HCM với lao động từng làm việc cho họ. Tại buổi giao lưu, ông Fukuda - Tổng Giám đốc tập đoàn chia sẻ nỗi buồn khi hầu hết các lao động trở về đều thất nghiệp hoặc làm trái nghề. Trong một cố gắng, tập đoàn này đã xây dựng nguồn dữ liệu về các tu nghiệp sinh để giới thiệu cho các doanh nghiệp Nhật đang và sẽ đầu tư ở Việt Nam.
Rõ ràng, người Nhật đã và đang “vác tù và hàng tổng” khi làm luôn vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động khi họ về nước - một trách nhiệm mà đáng lẽ chính người Việt Nam phải lo. Ngược lại với thị trường Hàn Quốc, hầu hết người lao động về nước đều thất nghiệp hoặc mất phương hướng tìm việc trong khi tại Việt Nam có trên 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư.
Người lao động “chê” lương thấp
Tổ chức IM Japan thường xuyên tổ chức kết nối cho DN Nhật tại Việt Nam phỏng vấn, tiếp nhận lao động khi họ về nước từ Nhật. Ảnh: Hồ Văn
Khảo sát mới đây từ 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam của Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, có tới 80% doanh nghiệp đang cần kỹ sư thực hành, 44% doanh nghiệp Nhật Bản đòi hỏi kỹ năng nghề bậc 2, trong khi đa số lao động Việt Nam từng làm việc tại Nhật Bản đều có kỹ năng nghề từ bậc 3 trở lên.
|
Hiện một số công ty tuyển dụng lao động trong nước đã bắt đầu học hỏi kinh nghiệm của người Nhật, tận dụng nguồn lao động chất lượng cao sau khi các lao động này đi XKLĐ trở về. Đơn cử như Công ty XKLĐ Esuhai (TP.HCM) vừa xây dựng trường đào tạo nhân lực nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cho công tác XKLĐ, đồng thời cũng sẽ đào tạo thêm các kỹ năng quản lý, khởi sự doanh nghiệp cho những lao động nào về nước có nhu cầu tìm việc hay tự tạo việc làm. Esuhai cũng đã mở hai website: www.esuhai.com và www.vieclamnhatban.com để người lao động tại Nhật đăng ký tìm việc phù hợp tại Việt Nam trước khi về nước, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Với cách làm này, Esuhai đã giới thiệu hơn 200 lao động về nước vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật đầu tư ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Đánh giá về nguồn lao động trở về từ Nhật, ông Lê Long Sơn - Giám đốc Esuhai cho rằng đây là nguồn lao động được đào tạo bài bản qua ba năm làm việc thực tế tại Nhật. Họ được tiếp xúc với máy móc hiện đại, sống cùng người Nhật nên học tập được tác phong, kỷ luật và cả văn hóa rất tốt, rất hiện đại của người Nhật. “Chất lượng của nguồn lao động này hơn hẳn lao động được đào tạo từ các trường nghề trong nước. Người Nhật rất thích nguồn lao động này vì khi nhận vào công ty, họ không đào tạo lại như khi nhận nguồn lao động trong nước. Hầu như 100% lao động được giới thiệu cho công ty Nhật đều được nhận và làm việc tốt, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của người Nhật”- ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho biết, việc làm luôn sẵn có với những lao động đi XKLĐ về. Tuy nhiên, không ít người trong số họ lại chê vì thu nhập thấp hơn đi xuất khẩu. Cùng công việc, cùng vị trí nhưng mức lương ở Việt Nam chỉ đạt 6-10 triệu đồng/tháng, trong khi ở Nhật là từ 20-30 triệu đồng/tháng. Đây cũng là điều mà các cơ quan quản lý cần có tác động để “thông suốt” cho lao động Việt.
Còn ông Trần Tiến Duy -Phó Giám đốc Công ty Nhật Huy Khang (TP.HCM) cũng cho rằng nguồn lao động trở về từ Nhật là lao động có chất lượng, tay nghề cao, tác phong kỷ luật rất tốt. “Người Nhật và cả công ty Việt Nam rất thích tuyển dụng nguồn lao động này. Công ty Nhật Huy Khang đã giới thiệu hơn 200 lao động trở về từ Nhật cho các công ty Nhật và Việt Nam. Để nguồn tuyển dụng được lâu dài, công ty cũng đã thuê chuyên gia Nhật về làm việc cho công ty, thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam nhằm tìm việc cho lao động trở về từ Nhật.
Ngoài ra, Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản để tìm việc làm cho lao động về nước. Trung tâm này cũng thường xuyên hợp tác với Sở LĐTBXH các địa phương tổ chức sàn giao dịch việc làm cho lao động về nước từ các thị trường khác nhau.
Tuy nhiên, nguồn lực lao động có chất lượng cao này rất cần được tận dụng ở “nhiều mặt trận”, trả lương xứng đáng để thu hút lao động. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều lao động có tay nghề, có kỷ luật cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.