Tiếp cận thị trường khó tính
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, dù năm 2015 gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn gặt hái được một số thành tựu lớn. Trong đó, đặc biệt phải kể tới thành tựu của ngành rau quả.
Theo thống kê, tăng trưởng xuất khẩu ngành rau quả đã đạt con số ấn tượng lên tới 47% so với năm 2014, đạt 2,2 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều loại trái cây như nhãn, vải, xoài đã tiếp cận nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản…, góp phần giúp xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một công ty thủy sản ở Bạc Liêu. Ảnh: Đ.D
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) nhận định, việc tiếp cận những thị trường khó tính có được là do, thời gian qua, nước ta có nhiều diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như: Trong tháng 9, đã có trên 20ha nhãn lồng Hưng Yên đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã vùng xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, sản phẩm thanh long cũng được thị trường Nhật Bản chấp nhận. Việc có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết: “Năm 2013, với xuất khẩu rau quả, lần đầu tiên sau mấy chục năm đạt 1 tỷ USD đã là con số ấn tượng. Năm nay, mục tiêu kỳ vọng là đạt khoảng 2 tỷ USD, nhưng kết quả như công bố của Bộ NNPTNT là đạt 2,2 tỷ là con số ấn tượng của ngành rau quả.
Nhất là trong năm 2015, có rất nhiều khó khăn về sản xuất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động. Nhưng đạt được mục tiêu như thế đã là nỗ lực lớn”- ông Kỳ nói.
Ngoài mặt hàng rau quả, một số mặt hàng khác cũng nỗ lực vượt khó để có mức tăng trưởng trong năm 2015 như hạt tiêu (1%), hạt điều (18,1%), sắn và sản phẩm từ sắn (19%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (8%)… Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong điều kiện khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn đạt được kim ngạch 30 tỷ USD là con số ấn tượng.
Nhiều nông sản chủ lực giảm
Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu đạt tỷ USD, có 4 mặt hàng giảm rất mạnh so với 2014, như cà phê (giảm 31,4%), cao su (giảm 15,8%), gạo (giảm 15,7%), thuỷ sản (giảm 17,7%).
|
Một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2015 giảm và không đạt mục tiêu đề ra là do sự suy giảm của các mặt hàng chủ lực. Bộ NNPTNT nhận định, nguyên nhân giảm xuất khẩu các mặt hàng nông sản do chính sách phá giá tiền tệ của các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu; tồn kho nhiều mặt hàng còn lớn ở cả nước xuất khẩu và nhập khẩu; nguồn cung dồi dào hơn với giá thành rẻ hơn tại các nước đối thủ cạnh tranh; các nước nhập khẩu tăng cường hàng rào kỹ thuật, đồng thời đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao hơn.
Nói về khó khăn của ngành cà phê, ông Nguyễn Huy Hùng - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến nay, giá cà phê giảm hơn 20%. Không những vậy, do ảnh hưởng của El Nino, hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở vùng trồng cà phê khiến sản lượng cà phê niên vụ 2014-2015 chỉ đạt 1,5 triệu tấn, giảm khoảng 20% so với niên vụ trước. “Có một nghịch lý khi sản lượng giảm, giá cũng giảm theo. Hiện tại, giá cà phê không còn tuân theo nhu cầu của cung cầu mà theo thị trường tài chính. Đầu vụ, giá tương đối khoảng 41-42 triệu đồng/tấn, nhưng bây giờ giá giảm còn 33,5-34 triệu/tấn.
Theo nhận định của Bộ NNPTNT, xu hướng toàn cầu hoá và quốc tế hoá vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm sẽ ngày càng thể hiện rõ nét. Các nước lớn vừa hợp tác, vừa kiềm chế lẫn nhau, cạnh tranh gay gắt hơn. Cục diện FTA mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang được hình thành với các tác nhân chính là TPP-FTA Đông Á-FTA Đông Á mở rộng (RCEP)... phản ánh động thái và mức độ tranh giành ảnh hưởng, tranh giành thị trường của các nước lớn tại khu vực này sẽ ngày càng quyết liệt trong giai đoạn tới nên lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Ông Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế: Cần đổi mới cơ cấu
Nhu cầu thế giới giảm, nguồn cung tăng, và ảnh hưởng chung của nền kinh tế dẫn tới sức mua giảm. Trong khi đó, dù có một số tiến bộ như hạt tiêu, thanh long đã có công nghệ bảo quản tốt, nhưng nhìn chung mảng chế biến, công nghệ bảo quản của Việt Nam còn yếu kém, chưa mang được nông sản đi đường dài sang các nước. Theo tôi, cần phải đổi mới cơ cấu, từ sản lượng nhiều, giá rẻ, năng suất cao chuyển sang các sản phẩm cao cấp hơn, chất lượng tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn.
Ông Cao Sỹ Kiêm – Chuyên gia kinh tế: Giải quyết đồng bộ 3 khâu
Việc nông sản xuất khẩu giảm, theo tôi là do nông nghiệp qua nhiều năm đã đang có xu hướng đi xuống từ sản lượng tới tốc độ tiêu thụ; chi phí đầu vào hiện còn cao, giá thành cao, sức cạnh tranh yếu; tiêu thụ trong nước không đủ cạnh tranh, đặc biệt là xuất khẩu; sức mua của nhiều mặt hàng nông sản trong nước và thế giới cũng giảm… Theo tôi, chất lượng, năng suất, giá thành là 3 điểm yếu nhất của mình, thường cách xa với thế giới. Cả 3 yếu tố đó phải khắc phục kịp thời, đồng bộ chứ không chỉ riêng một yếu tố nào thì mới giúp cho xuất khẩu nông-lâm-thuỷ sản của chúng ta bứt phá nên được.
Ông Hồ Xuân Hùng- Chủ tịch Tổng hội nông nghiệp Việt Nam: Phải quản lý lại chất lượng
Nhiều mặt hàng như hải sản, rau quả xuất đi được đã khó, nhưng lại bị trả về nhiều là nguyên nhân dẫn tới xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản giảm. Ngoài ra, nhiều sự cố không đáng có, như sự cố chè của Lâm Đồng, làm chững cả chuỗi xuất khẩu chè. Tôi vừa trực tiếp sang Đài Loan, họ nói là phải bàn kỹ về vấn đề ATVSTP. Ngoài ra, một số cây trồng như cao su vẫn đang trên đà xuống giá, lúa gạo vẫn tăng sản lượng nhưng giá không thể tăng. Theo tôi, nếu không quản lý lại khâu chất lượng và mạnh dạn tìm kiếm thị trường mới thì sẽ còn tiếp tục khó khăn, nhất là khi hội nhập ngày càng sâu rộng, trong khi còn rất nhiều thị trường bị bỏ ngỏ.
Phương Vy
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.