Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Trông chờ ở... kép phụ

Ngọc Lê Thứ ba, ngày 26/01/2016 13:07 PM (GMT+7)
Một số mặt hàng “bất ngờ” có kim ngạch xuất khẩu cao là: Rau quả, tiêu, điều, sắn… Điều này cho thấy, kép phụ lên tiếng và chiến lược xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của nước ta còn theo kiểu “ăn may”.
Bình luận 0

Trong nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng NLTS nước ta luôn phụ thuộc vào 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là: lúa gạo, cà phê, cao su, đồ gỗ và thủy sản, thì năm 2015 ngoại trừ đồ gỗ, 4 mặt hàng còn lại đều suy giảm cả về giá trị và khối lượng xuất khẩu. Trái ngược với đà suy giảm của 4 mặt hàng chủ lực trên, một số mặt hàng lại “bất ngờ” có kim ngạch xuất khẩu cao là: Rau quả, tiêu, điều, sắn…

img

Bưởi là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn. Ảnh: Trần Quang

Khi chủ lực xuống dự bị

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành NLTS  lần đầu tiên đạt ngưỡng trên 31 tỷ USD, được coi là dấu mốc quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Trên đà “thắng” đó, Bộ NNPTNT đã đặt ra mục tiêu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phải đạt trên 32 tỷ USD, thậm chí có ý kiến mong muốn phải đạt 33 tỷ USD, trong đó đáng kể là thủy sản được dự báo sẽ đạt 8,1 tỷ USD. Song trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu năm vừa qua đã suy giảm chỉ còn trên 30 tỷ USD, đáng kể là thủy sản chẳng những không đạt được mốc 8,1 tỷ USD mà còn  giảm xuống 6,5 tỷ USD (năm 2014 là 7,1 tỷ USD).

Một mặt hàng cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của ngành nông nghiệp là cà phê, cũng bất ngờ bị suy giảm tới trên 28%, chỉ còn trên 2,5 tỷ USD. Thê thảm hơn cả là ngành cao su, đà suy giảm vẫn nối tiếp từ năm 2014 qua năm 2015 với kim ngạch chỉ còn trên 1,5 tỷ USD, thấp xa so với thời kỳ “hoàng kim những năm 2010-2012, khi có lúc tổng kim ngạch xuất khẩu đạt ngưỡng 3 tỷ USD với giá xuất khẩu có lúc lên tới 5.000 tỷ USD/tấn và được coi là “vàng trắng”.

Còn hiện tại giá chỉ quanh ngưỡng 1.300-1.400 USD/tấn. Riêng gạo, trong liên tiếp mấy năm trở lại đây chỉ lẹt đẹt với ngưỡng 6-7 triệu tấn/năm, kim ngạch dưới 2,9 tỷ USD, thấp xa ngưỡng cao nhất 4 tỷ USD vào năm 2012.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các mặt hàng NLTS xuất khẩu của nước ta bị suy giảm như yếu tố về mặt khách quan- thị trường, nhu cầu tiêu thụ thế giới giảm, giá dầu giảm… Tuy nhiên, nếu xem xét lại thực tế có thể thấy nguyên nhân chính vẫn là do Việt Nam thiếu chính sách dự báo, xây dựng chiến lược, điều chỉnh quy hoạch. Bằng chứng là lúc giá cao su đang cao thì thi nhau hô hào đi trồng, mở rộng diện tích, đến lúc xuống như hiện nay, từ năm 2014, Bộ NNPTNT mới vội có quyết định tạm dừng.

Tương tự, khi xuất khẩu gạo tốt, lại đua nhau chạy theo số lượng bằng cách trồng các loại gạo phẩm cấp thấp, gia tăng mùa vụ sản xuất. Đối với ngành cà phê, thì chỉ biết tăng khai thác, mà quên đi việc cần phải tái canh các vườn cà phê già cỗi để tăng năng suất, chất lượng…

“Thứ yếu” cứu “tiên phong”

Trong khi ngành nông nghiệp luôn đặt kỳ vọng vào các mặt hàng chủ lực, thì chính các nông sản “phụ” đã “cứu” cho xuất khẩu NLTS, trong đó bất ngờ nhất phải kể đến rau quả, từ chỗ cách đây 2-3 năm, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 500 triệu USD, đến năm 2015 đã đạt tới gần 1,85 tỷ USD. Điều cũng đạt tới gần 2,4 tỷ USD (tăng trên 20%), tiêu 1,29 tỷ USD; sắn 1,31 tỷ USD… đều có mức tăng trưởng cao ngoài sự trông đợi.

"Chủ trương chung là hình thành các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhanh chóng hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp mạnh đầu tàu, kết nối với các tổ chức nông dân tập thể”.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho rằng, đối với những sản phẩm có lợi thế xuất khẩu, chúng ta cần thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại, xúc tiến đầu tư giữa nhà đầu tư, đặc biệt là khối TPP với Việt Nam.

Theo đó, phải có định hướng của một số mặt hàng nông sản chủ lực như- hàng rau quả: Phát triển thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản; hàng thủy sản: Đẩy mạnh xuất khẩu sang Malaysia, Mexico; thu hút đầu tư FDI, đặc biệt từ Nhật Bản; cây công nghiệp: Tăng xuất khẩu cao su sang Malaysia chế biến…

Đứng ở một góc độ khác, ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, phải tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa ngành, bắt đầu từ sản xuất trong nước. Theo ông Phạm S, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng đa ngành.

“Trước mắt, tập trung xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghiệp-nông nghiệp, Trung tâm Sau thu hoạch và Trung tâm Giao dịch hoa với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và một số nước tiên tiến để hình thành những cụm sản xuất đạt chất lượng, tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư FDI để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn…”- ông Phạm S đề xuất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem