Khả quan
Sau một thời gian dài lẹt đẹt, sản xuất chủ yếu để ăn, thậm chí phải nhập khẩu từ nước ngoài về, năm 2011, ngành RQ nước ta đã “ngóc” đầu lên được.
|
Rau, quả và những sản phẩm chế biến từ rau, quả của Việt Nam đang được người tiêu dùng thế giới ưa thích. |
Ông Đinh Cao Khuê- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty RQ Việt Nam cho biết: “Trong năm 2011, xuất khẩu RQ đã có bước tăng đột biến tới 40,6% so với năm 2010 là nhờ vào sự tăng trưởng đột biến ở các thị trường châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đến là Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc…”.
Cụ thể, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu RQ sang Trung Quốc đạt kim ngạch 114,5 triệu USD (tăng 119,6%) và chiếm tới 22,6% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tiếp đến là Nhật Bản 51,2 triệu USD (tăng 21%), Indonesia 30,9 triệu USD (tăng 146,3%), Hà Lan 24,9 triệu USD, Hàn Quốc 17,5 triệu USD, Malaysia 10,6 triệu USD.
Theo ông Khuê, hiện các sản phẩm như nước quả cô đặc, quả đóng hộp, gần đây có thêm ngô ngọt, vải tươi là những mặt hàng được ưa chuộng và có tốc độ tiêu thụ nhanh nhất. Trong năm vừa qua, Nhật Bản đã bắt đầu nhập khẩu vải tươi, ngô ngọt; Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu ớt và từ năm 2012, nước này sẽ lần đầu tiên nhập khoai tây của Việt Nam.
Ông Đoàn Xuân Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) đánh giá: “Có một điểm nổi bật của ngành RQ trong năm 2011 là chúng ta đã xuất siêu được sang Trung Quốc, nước vốn trước đây chúng ta thường phải đi nhập khẩu nhiều RQ của họ, điều này chứng tỏ Việt Nam đang có ưu thế lớn về sản xuất mặt hàng này”.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, để đạt được mục tiêu giá trị và sản lượng RQ chế biến có giá trị cao, chúng ta cần triển khai việc nghiên cứu các giống RQ cho năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt cần xây dựng các vùng sản xuất tập trung, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Thiếu nguyên liệu chế biến
Một vấn đề nan giải hiện nay là, Việt Nam đang quá thiếu các vùng nguyên liệu rau quả tập trung và các cơ sở chế biến đạt chất lượng để đáp ứng đủ cả về số lượng, cũng như điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho xuất khẩu.
Theo ông Hồ Quang Đấu- Phó Chủ tịch Hiệp hội RQ Việt Nam, nước ta hiện có diện tích trồng RQ lên tới 1,5 triệu ha tại tất cả các vùng miền trên cả nước, song trên thực tế sản xuất vẫn còn rất manh mún, thiếu các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, do đó chất lượng sản phẩm không đồng đều, ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu.
Ông Đinh Cao Khuê cho rằng: “Tại các tỉnh miền Bắc hiện có 30 nhà máy chế biến RQ, nhưng nguyên liệu rất ít, không đảm bảo công suất chế biến, ngay như Công ty CP Chế biến thực phẩm RQ Đồng Giao của chúng tôi, nếu chế biến 3-4 container chuối thì được, nhưng nếu bạn hàng có nhu cầu nhập 100 container thì chịu, không lấy đâu ra nguyên liệu để chế biến”.
Theo Hiệp hội RQ Việt Nam, dự kiến đến hết năm 2011, kim ngạch xuất khẩu RQ cả nước sẽ đạt 600 triệu USD. Hiện RQ Việt Nam đã có mặt ở 50 thị trường, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU…
Một hạn chế lớn nữa, theo ông Khuê là việc cấp phép cho các nhà máy chế biến RQ xuất khẩu hiện nay quá dễ dãi, chưa có tiêu chí rõ ràng. “Chúng ta phải xác định, thành lập một nhà máy chế biến cũng như một trường đại học, nghĩa là phải có đủ tiêu chí như có kỹ sư, công nghệ hiện đại, sạch, an toàn, bởi chỉ cần một nhà máy làm ẩu là sẽ ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu cả nước. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự vào cuộc”.
Còn theo ông Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), để có nguồn nguyên liệu RQ ổn định, chúng ta cần tiếp tục chương trình phát triển RQ trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, sinh thái đa dạng của các vùng, hướng đến sản xuất chuyên canh, sử dụng công nghệ tiên tiến. Mặt khác, nên tập trung phát triển các loại sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.