Xuất khẩu sắn: Nhúc nhích nhưng chưa bền

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 09/09/2014 13:52 PM (GMT+7)
Sau một thời gian tồn đọng do không ký được đơn hàng xuất khẩu với thương lái Trung Quốc, những ngày này tại Tây Ninh, lượng sắn về cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc đã tăng trở lại từ 5-7 xe/ngày. Tại Quy Nhơn, các kho đang có xu hướng thu mua hàng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu...
Bình luận 0

Áp lực đã giảm…

Hiện tồn kho sắn ở Quy Nhơn còn khoảng 50.000 - 60.000 tấn, trong đó những đơn vị lớn đang nắm giữ từ 10.000 - 15.000 tấn trong kho. Giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc đã có đơn vị ký được giá khoảng 240 - 245 USD/tấn FOB, tăng 20 - 25% so với tháng trước. Nhu cầu gom mặt hàng này để xuất khẩu đã gia tăng từ đầu tháng 8 đến nay, làm giảm phần nào áp lực tồn kho cho các đơn vị xuất khẩu sắn.

Trước đó, theo thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam, tính đến cuối tháng 6.2014, tổng lượng tồn kho sắn lát khoảng trên dưới 300.000 tấn. Cụ thể, khu vực Quy Nhơn và Tây Nguyên còn dưới 200.000 tấn, TP.Hồ Chí Minh còn dưới 100.000 tấn và khu vực phía Bắc còn khoảng 20.000 – 30.000 tấn. Tình trạng tồn kho cũng xảy ra với tinh bột sắn, khoảng 150.000 tấn.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp không thỏa thuận được giao dịch cho các đơn đặt hàng mới với thương lái Trung Quốc. Có thể nói, mặt hàng sắn nước ta bị phụ thuộc chủ yếu thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này “có vấn đề” là doanh nghiệp xuất khẩu sắn lâm vào khó khăn.

Những thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn, Nga... thường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao và nghiêm ngặt trong chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm sắn và tinh bột sắn của ta chưa xuất khẩu được nhiều.

Chưa bền vững…

Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc dù đã nhúc nhích trở lại nhưng các doanh nghiệp đều đánh giá chưa bền vững. Theo thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam, do khủng hoảng kinh tế thế giới và sự trì trệ của ngành Ethanol tại Trung Quốc, các nhà máy sản xuất cồn tại đây đã đóng cửa gần 70%, một số còn lại giảm công suất, nhu cầu sắn do đó cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, nguồn cung sắn từ Thái Lan đang rất tốt, giá xuất đi Trung Quốc hiện nay chỉ khoảng dưới 245 USD/tấn FOB. Về phía Indonesia, sản lượng vụ mới được dự báo cũng tăng rất cao. Năm nay, Indonesia kế hoạch xuất khẩu 70.000-100.000 tấn sắn (mùa vụ trước chỉ vào khoảng 30.000 tấn). Các nước này đang cạnh tranh rất mạnh với Việt Nam trong việc xuất khẩu sắn sang Trung Quốc.

Thời điểm giữa tháng 10 là đánh dấu cho sự khởi điểm thu hoạch sắn ồ ạt ở Thái Lan, tiếp theo đó nửa đầu tháng 11 khu vực miền Đông Nam Bộ của ta cũng bắt đầu thu hoạch. Tháng 12 Tây Nguyên sẽ bắt đầu vào vụ sắn và dự báo sẽ có một vụ khá được mùa. Do vậy, để xuất khẩu sắn tốt từ nay tới cuối năm vẫn là bài toán khó.

Theo ông Phạm Vũ Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, ngành sắn xác định, Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu lớn, cần phải duy trì. Tuy nhiên, để xuất khẩu sắn bền vững, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã đề nghị Nhà nước tiếp tục có chương trình xúc tiến xuất khẩu, trong đó có mặt hàng sắn sang thị trường Trung Quốc nhằm ổn định thị trường xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần có chính sách về vốn, tài chính ưu đãi với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn trong việc đầu tư vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống xử lý môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm sắn để hướng tới các thị trường khó tính khác…

   Theo Báo cáo cấp quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu của Bộ Công Thương, trong danh mục các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, sắn được xếp đầu bảng. Năm 2012, giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1,37 tỷ USD, còn năm 2013 đạt 1,1 tỷ USD. 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất 1,760 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước và giảm 35% so với năm 2012. 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem