Xuất khẩu thuỷ sản đặt mục tiêu đạt 10 tỷ USD năm 2024: Đâu là "chìa khoá vàng"?

Công Tâm Chủ nhật, ngày 13/10/2024 19:13 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm qua luôn đứng top 3 thế giới. Để đạt được những thành công, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được coi là chìa khóa "vàng" giúp ngành thủy sản ngày một phát triển.
Bình luận 0

Trong hai ngày, 13 - 14/10, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 tổ chức hội thảo khuyến nông giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản. 

Phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ đô năm 2024: Đâu là "chìa khoá vàng"?- Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Công Tâm

Đến dự hội thảo có ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, lãnh đạo các vụ, sở, ban ngành, đại diện các doanh nghiệp, lãnh đạo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 và nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp PTNT, nguyên lãnh đạo các vụ, các nhà khoa học. 

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Văn Hồng cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm qua luôn đứng top 3 của thế giới chỉ sau Trung Quốc và Nauy. Để đạt được những thành công đó việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) được coi là chìa khóa vàng giúp ngành thuỷ sản ngày một phát triển không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay và đem lại hiệu quả cho người nông dân.

Phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ đô năm 2024: Đâu là "chìa khoá vàng"?- Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo thu hút rất nhiều đại biểu. Ảnh: Công Tâm

Ông Hồng cho biết thêm, trong những năm qua, ngành thủy sản luôn được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể về giá trị cho nền kinh tế của nước ta, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2023 đạt 8,97 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ NNPTNT nhận định, ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD về giá trị xuất khẩu trong cả năm 2024.

Phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ đô năm 2024: Đâu là "chìa khoá vàng"?- Ảnh 3.

Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được coi là chìa khóa vàng giúp ngành thuỷ sản ngày một phát triển

Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thì việc ứng dụng các TBKT vào sản xuất thông qua hoạt động khuyến nông là thực sự cần thiết. Với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các TBKT về công nghệ nuôi 2 giai đoạn, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ nuôi tuần hoàn, công nghệ sinh học quản lý môi trường nuôi và chất thải luôn được ưu tiên phát triển và nhân rộng. 

Công nghệ khai thác ứng dụng đèn led, hầm bảo quản sản phẩm, nhật ký điện tử trên biển giúp nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý tốt đội tàu khai thác hải sản xa bờ góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chống khai thác bất hợp pháp IUU.

Phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ đô năm 2024: Đâu là "chìa khoá vàng"?- Ảnh 4.

Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã ứng dụng nuôi lồng HDPE trên biển. Ảnh: Công Tâm

Ông Hồng cho rằng, sau cơn bão số 3 xảy ra tại các tỉnh phía Bắc vừa qua càng khẳng định được vai trò của việc ứng dụng các tiến bộ KHKT: Lồng bè gỗ, phao xốp nhựa truyền thống, ao hồ thiết kế không phù hợp đã bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Những lồng bè nuôi sử dụng công nghệ lồng HDPE, lắp đặt theo thiết kế và tư vấn của các chuyên gia đã cho thấy được hiệu quả rõ rệt nên thiệt hại rất thấp.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay, trong những năm qua công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh. Các chương trình, dự án khuyến nông được triển khai với nhiều nội dung phong phú, thiết thực với trọng tâm là chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ nuôi, xử lý môi trường nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có tính ưu việt ra sản xuất. 

Hoạt động khuyến nông đã tập trung vào chuyển giao các nhóm đối tượng nuôi trồng, khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm thuỷ sản chủ lực, giải quyết những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn sản xuất, như: Chuyển giao các giống thủy sản có năng suất, chất lượng, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; các quy trình công nghệ, kỹ thuật theo chuỗi trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, áp dụng kỹ thuật, thiết bị, công nghệ mới,…

Nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã làm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%; thay đổi tập quán, thói quen sản xuất, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ đô năm 2024: Đâu là "chìa khoá vàng"?- Ảnh 5.

Những con cá bớp giống được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Công Tâm

Thông qua các dự án đã lan tỏa những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả để nông dân tham quan, học tập và áp dụng. Trong giai đoạn từ năm 2019- 2024 có 68 dự án Khuyến nông Trung ương triển khai trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực Khuyến ngư, được chuyển giao vào sản xuất là 63 TBKT. Trong đó, có 51 TBKT do các Cục/Tổng cục/Viện ban hành và áp dụng vào sản xuất thông qua dự án khuyến nông trung ương.

Đại diện lãnh đạo Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cho biết, trong giai đoạn 2014-2024, từ các kết quả nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 đã xây dựng được nhiều quy trình công nghệ, cải tiến kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế. Trong số các quy trình công nghệ tạo ra có 15 quy trình được công nhận TBKT.

Phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ đô năm 2024: Đâu là "chìa khoá vàng"?- Ảnh 6.

Cá chim đang bơi rất khỏe

 Ngoài các TBKT được công nhận, giai đoạn 2014 – 2024, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản đã ứng dụng nhiều quy trình khoa học công nghệ trên nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao vào thực tiễn sản xuất cho nhiều địa phương, doanh nghiệp như: Ốc hương, cá chình hoa, cua xanh, hàu Thái Bình Dương, cá mú trân châu,… đã góp phần đa dạng đối tượng nuôi thủy sản, thay đổi cách làm, cách tổ chức sản xuất và mang lại hiệu quả cao từ việc áp dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất.

Phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ đô năm 2024: Đâu là "chìa khoá vàng"?- Ảnh 7.

Những con cá mú nuôi thành phẩm

Ông Nguyễn Văn Hà (đại diện Công ty TNHH dịch vụ sản xuất thương mại Ngọc Thủy) cho biết, trong sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng việc có những TBKT vào sản xuất là rất quan trọng, người dân và các doanh nghiệp cần nhanh chóng để tiếp cận để phát triển trong sản xuất. Để các TBKT này đến với người dân, doanh nghiệp thì cần có nhiều chương trình, dự án mang tính chất lớn để chuyển giao, hướng dẫn để phát triển mô hình. 

Phấn đấu xuất khẩu thuỷ sản 10 tỷ đô năm 2024: Đâu là "chìa khoá vàng"?- Ảnh 8.

Nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã làm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường.

Thông qua hội thảo sẽ giới thiệu các TBKT hiệu quả và nhân rộng ra sản xuất; nâng cao nhận thức của người dân, HTX, chủ trang trại, người sản xuất… về việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. 

Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển đổi nghề cho ngư dân, giúp tăng nuôi trồng, giảm khai thác, nhất là khai thác bất hợp pháp góp phần gỡ thẻ vàng IUU. Các TBKT mới, kết quả chuyển giao vào sản xuất sẽ định hướng phát triển sản xuất thủy sản bền vững.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem