Xuất siêu nông sản đạt 6 tỷ USD

Thứ ba, ngày 30/08/2011 06:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong 8 tháng qua, xuất siêu nông, lâm, thủy sản lần đầu tiên đã đạt tới 6 tỷ USD. Nông nghiệp một lần nữa khẳng định là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong 8 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu các ngành nông, lâm, thuỷ sản đã đạt tới 16,4 tỷ USD (tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước), trong khi nhập khẩu các nhóm hàng vật tư, phân bón, nguyên liệu chế biến nông, lâm, thuỷ sản đạt 10,4 tỷ USD.

img
8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo đạt 2,7 tỷ USD.

Được giá

Có thể nói, suốt từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ở nước ta đang giữ được ở mức giá cao và khá ổn định. Như mặt hàng gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thành phẩm 5% tấm đang đứng ở mức tới 11.100 – 11.200 đồng/kg, gạo 15% tấm 10.600 – 10.700 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 10.000 – 10.100 đồng/kg.

Giá gạo trong nước cao, dẫn đến giá xuất khẩu cũng tăng từ tháng 7 đến tháng 8 năm đối với gạo 5% tấm đứng ở mức 560-580 USD/tấn. Không chỉ được giá, tổng sản lượng gạo xuất khẩu 8 tháng qua cũng đã đạt tới 5,4 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,7 tỷ USD.

GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định: “Trên thị trường thế giới, chỉ có Thái Lan và Việt Nam có gạo để xuất khẩu, trong thời điểm Thái Lan đang có điều chỉnh về giá thu mua lúa gạo lên 50% rõ ràng Việt Nam đang có cơ hội để soán ngôi của Thái Lan về xuất khẩu gạo”. Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng khá đa dạng như Indonesia, Philippines, Malaysia, Cuba, cùng một số nước châu Phi khác.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu năm nay, có thể nói cà phê có sự tăng đột biến khi giá xuất khẩu trung bình đạt 2.234 USD/tấn, tăng tới 57% so với thời điểm này của năm 2010. Giá xuất khẩu cao đã giúp cho ngành cà phê thu về tới 2,1 tỷ USD (tăng 72,2%) trong hơn nửa đầu năm nay.

Thế nhưng, theo số liệu do Bộ NNPTNT công bố, cao su mới là mặt hàng tăng giá mạnh nhất tới 58,3% đạt 4.346 USD/tấn, tức có giá hơn 90 triệu đồng/tấn. Kim ngạch cao su qua đó đã đạt tới 1,9 tỷ USD (tăng 64,9%). Xuất khẩu thuỷ sản sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khá về giá trị như Mỹ tăng 42,7%, Trung Quốc 57,3%, Italia 45,1%. Yếu tố giá đã có tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu ngành này với tổng giá trị đạt 3,7 tỷ USD tính từ đầu năm đến nay (tăng 24,4%).

Tiêu, điều, sắn vươn lên

Chưa năm nào, sắn lại có giá như năm nay với kim ngạch xuất khẩu tăng tới gần gấp đôi (90,4%) đạt 1,9 triệu tấn với giá trị thu về 674 triệu USD. Xuất khẩu tiêu 8 tháng qua cũng đã đạt 98.000 tấn với kim ngạch thu về 545 triệu USD. Sở dĩ tiêu có giá trị cao là do giá xuất khẩu đạt tới 5.499 USD/tấn, tức tăng 70,4%. Mỹ, Ai Cập, Tây Ban Nha và Singapore vẫn là những thị trường tiêu thụ chủ yếu với giá trị tăng gấp hơn 2 lần.

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông, lâm, thuỷ sản 8 tháng qua ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm 2010 là 22,6%. Thức ăn chăn nuôi vẫn là ngành có kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất với 1,6 tỷ USD từ đầu năm tới nay, tiếp đến là phân bón, gỗ, cao su, thuốc trừ sâu…

Trong khi đó, hạt điều có khả năng vượt kỷ lục của năm 2010 khi lần đầu tiên đạt 1 tỷ USD xuất khẩu. Theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: “Khi nền kinh tế gặp khó khăn, nếu những ngành khác bị vỡ kế hoạch ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế, chính nông nghiệp góp phần ngăn chặn sự suy giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách tạo ra sự cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi, hạn chế thấp nhất những “thương tích” cho nông dân, những người thường chịu thiệt thòi khi có biến động thị trường”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem