Tình cảm của những người nông dân dành tặng cho nhau
Chia sẻ với báo Dân Việt ông Lung cho biết: gia đình ông cũng có người đi bộ đội, hy sinh và bao đời làm nông, vất vả, một nắng hai sương, chân lấm tay bùn nên ông rất hiểu những hy sinh AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo đã cống hiến cho cách mạng, cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Bài thơ "Gói quà… nghĩa nhân" của lão nông Đỗ Trọng Lung viết tặng AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo.
Ông Lung chia sẻ, lúc đầu tôi chỉ biết đến ông Báo qua các giống lúa thôi, nhưng từ khi được nghe ông tâm sự về cuộc đời người lính và quá trình nghiên cứu giống cây trồng của mình tại chương trình "Mỗi tuần một nhân vật" của đài tiếng nói Việt Nam, tôi thực sự xúc động.
"Tôi rất cảm phục sự học hỏi, sức chiến đấu, vươn lên của người lính, người nông dân, AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo. Ông đã đi lên từ đồng ruộng, thành nhà nghiên cứu, doanh nhân rồi Anh hùng lao động. Nghe xong câu chuyện tôi đã viết ngay tặng ông Báo bài thơ: Bông hoa trên đồng nội" ông Lung cho biết.
Mặc dù đã 80 tuổi, mới gặp có 2 lần, nhưng ông Lung đã viết rất nhiều bài thơ để tỏ lòng cảm ơn AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo dày công nghiên cứu, chọn tạo ra nhiều giống cây trồng chất lượng tốt giúp bà con nông dân có những mùa vàng bội thu.
Mặc dù sức khoẻ yếu, bận rộn nhưng AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo vẫn luôn dành thời gian lội ruộng cùng bà con nông dân
Và mới nhất bài thơ "Gói quà… nghĩa nhân" ông Lung viết và tặng thương binh Trần Mạnh Báo nhân dịp ông Báo qua thăm trong chuyến ông lên Hà Giang thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên.
"Tôi viết bài thơ này để tỏ lòng đền ơn đáp nghĩa với những người có công với đất nước, vì tự do độc lập của Tổ quốc và cũng là tình cảm của người nông dân chất phác dành tặng cho nhau" ông Lung tâm sự.
Dân Việt xin trích lại bài thơ "Gói quà… nghĩa nhân":
Hoa tình thiên lý trao duyên
Nở từ gốc đức, vươn lên tuyệt vời
Toả hương, quyến rũ, chào mời
Vị tình mới đến với người tri âm.
Quà mừng tặng bạn nghĩa nhân
Mốc son gắn kết thiết thân tỏ bày
Miệng cười tay nắm chặt tay
Y như ruột thịt, lâu ngày gặp nhau.
Xuân theo sương điểm mái đầu
Đắng cay nếm trải, nhuộm màu thời gian
Người là mẫu mực cao sang
Tâm trong hơn ngọc, vẻ vang anh hùng.
Suốt đời báo quốc tâm trung
Theo gương tổ nghiệp, cha ông lưu truyền
Sáng soi toả khắp mọi miền
Người làm bút tích, trong thiên sử vàng.
Non sông, giàu đẹp vinh quang
Cũng nhờ vạn triệu, mùa vàng mới lên
Đẹp tình trí sĩ, hữu duyên
Ơn sâu nghĩa cả, không quên lòng vàng.
Thương binh Trần Mạnh Báo - Anh hùng trên mọi mặt trận
Thương binh Trần Mạnh Báo sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại xã vùng biển của tỉnh Thái Bình. Năm 15 tuổi ông đã tình nguyện tham gia Đội dân quân tự vệ, trực tiếp cầm súng đánh giặc ở khu vực cửa sông Diêm Điền (Thái Thuỵ, Thái Bình).
Đến năm 1968 ông xin nhập ngũ Nam tiến, thành lính Sư đoàn 320 trên chiến trường máu lửa Quảng trị. Rồi cùng đồng đội vượt Trường Sơn, chiến đấu giải phóng 6 tỉnh phía Nam Campuchia, 3 tỉnh miền Tây Nam bộ.
Trong chiến tranh ông và các đồng đội nhiều lần phải đối mặt với cơn mưa đạn cối của địch, bị mảnh lựu đạn găm vào trán, đối mặt với cái chết trong ngang tấc nhưng chưa bao giờ ông có suy nghĩ thoái lui. Kết thúc chiến tranh, ông trở về quê hương với một bên mắt đã bị hỏng, thương tật 2/4.
Không chỉ là anh hùng trên mặt trận chiến tranh, mà nay trong cuộc sống thời bình, thương binh Trần Mạnh Báo vẫn tiếp tục lăn xả để cống hiến, nghiên cứu ra những giống lúa có chất tốt góp phần tạo nên điều kỳ diệu cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhận xét về AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo "Anh là anh bộ đội Cụ Hồ, một thương binh nặng. Suốt đời, anh chỉ làm một việc đó là nghiên cứu, sản xuất giống lúa và đã xây dựng được một doanh nghiệp giống cây trồng lớn, có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Người như thế rất hiếm, xứng đáng anh hùng".
Lợi ích của người nông dân luôn được AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo đặt lên hàng đầu.
Dù là CEO của ThaiBinh Seed – một Công ty giống cây trồng lớn của cả nước, nhưng chưa bao giờ AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo nhận mình là lãnh đạo, là Tổng giám đốc, đi đâu ông cũng nói mình là một nông dân và đây cũng là miền tự hào của ông.
"Tôi xuất thân từ nông dân, bố mẹ tôi là nông dân, tôi đang phục vụ nông dân và tôi có được như ngày hôm nay cũng chính là nhờ nông dân. Vậy nên không tự hào sao được?" thương binh Trần Mạnh Báo chia sẻ.
Các Huân, Huy chương, Bằng khen, thương binh Trần Mạnh Báo đã nhận:
- Huân chương Chiến sĩ giải phóng
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang
- Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba
- Huy chương kháng chiến hạng Nhất
- Anh Hùng lao động
- Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và các bộ ngành…
AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo luôn xem người nông dân là người ăn cùng mâm, đi chung một con thuyền với doanh nghiệp sản xuất giống. Nên dù thương tật, sức khoẻ yếu nhưng ông vẫn dành thời gian xắn quần, tháo giày lội ruộng cùng nông dân. Ông luôn suy nghĩ nông dân được mùa cũng là thành công và hạnh phúc của chính bản mình.
Chính những tâm huyết, khát khao giúp nông dân đỡ khổ nên thương binh Trần Mạnh Báo đã cùng cộng sự ngày đêm nghiên cứu, chọn tạo tạo, sản xuất thành công nhiều giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Đến nay Tập đoàn ThaiBinh Seed do ông lãnh đạo đã sở hữu và phân phối trên 20 giống bản quyền; cung cấp 15-20% lượng giống sản xuất nông nghiệp cho cả nước.
ThaiBinh Seed do thương binh Trần Manh Báo lãnh đạo đã chọn tạo ra nhiều giống cây trồng có chất lượng cao góp phần tạo lên những mùa vàng bội thu cho bà con nông dân.
AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo chia sẻ: "Nguyên tắc làm việc của tôi là luôn đặt quyền lợi của bà con nông dân, của cán bộ, nhân viên ThaiBinh Seed lên trên quyền lợi của cá nhân mình. Tôi tâm đắc một điều rằng, ThaiBinh Seed tồn tại là vì lý do gì, nếu không phải là để nâng cao đời sống của người dân cả nước?"
Chính những cống hiến và đóng góp to lớn cho nền độc lập của tổ quốc và cho ngành nông nghiệp nước nhà của AHLĐ, thương binh Trần Mạnh Báo, nên ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương, và Bằng khen của các bộ ngành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.