CEO ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Nghị quyết 26 mang lại 3 thành tựu nổi bật nhất cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Tố Loan (ghi) Thứ bảy, ngày 07/05/2022 09:09 AM (GMT+7)
Nghị quyết số 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Ban Chấp hành Trung ương khoá X thông qua tại Hội nghị lần thứ VII. Từ đó đến nay, trải qua 15 năm, Nghị quyết đã tạo ra sự thay đổi vô cùng quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, đời sống nông dân, diện mạo nông thôn.
Bình luận 0

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là thảo luận về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trao đổi với PV Dân Việt về giá trị mà Nghị quyết 26 mang lại cho đời sống nông dân và nông nghiệp, nông thôn, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh SEED cho rằng, Nghị quyết 26 mang lại nhiều giá trị lớn lao và thiết thực.

CEO ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Nghị quyết 26 mang lại 3 thành tựu nổi bật nhất cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Ảnh 1.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh SEED cho rằng, Nghị quyết 26 mang lại nhiều giá trị lớn lao và thiết thực. Ảnh: ThaiBinh Seed.

Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông thôn, nông thôn giúp thay đổi lớn nhất trong nhận thức

Cần nhắc lại rằng trước Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng ta đã có Nghị quyết 10 hay còn gọi là Khoán 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp – tạo cuộc cách mạng, dấu ấn không thể nào quên trong lịch sử phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. 

Tuy nhiên, cái hạn chế của Nghị quyết 10 là mới chỉ giải quyết được tình trạng đói ăn khi đó chứ chưa thể tạo nên giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp.

Những thành tựu mà Nghị quyết tam nông mang lại rất nhiều, bao gồm cả giá trị hữu hình và vô hình, riêng bản thân tôi đánh giá cao 3 thành tựu tôi cho là nổi bật và đặc biệt quan trọng, tác động tới mọi mặt của đời sống:

Thứ nhất chính là sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của chúng ta về nông nghiệp. Từ một nền nông nghiệp cứu đói toàn dân, lo làm sao cho dân đủ ăn; chúng ta đã vươn lên thành một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.

Kinh tế nông nghiệp liên tục tăng trưởng qua các năm, chỉ tính riêng năm 2021, giá trị toàn ngành nông nghiệp ước tính tăng 2,9%. Trong đó, riêng sản lượng lương thực đạt 44 triệu tấn, chất lượng gạo tiếp tục được nâng cao khi giá bán có lúc đạt hơn 530 USD/tấn.

Những con số đó quả thực rất đáng tự hào, nhất là trong vòng 2 năm trở lại đây, dịch bệnh đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ tới mọi mặt của đời sống xã hội, thì chúng ta càng nhận ra những giá trị lớn lao, bền vững của kinh tế nông nghiệp.

CEO ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Nghị quyết 26 mang lại nhiều giá trị lớn lao và thiết thực - Ảnh 1.

Đào tạo nghề cho nông dân cũng chính là cách nâng cao trình độ lao động, giải quyết những hạn chế, vướng mắc còn tồn đọng trong vấn đề lao động, việc làm mà Nghị quyết 26 đề ra. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật của ThaiBinh Seed giới thiệu về giống lúa mới. Ảnh: ThaiBinh Seed.

Thành tựu lớn thứ hai, đó là chúng ta đã huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiêu biểu và rõ ràng nhất chính là Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Rất nhiều vùng quê nghèo đói thay da đổi thịt, đời sống của người dân khởi sắc tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần.

Có những vùng quê sau vài năm tôi quay trở lại đã đổi thay đến ngỡ ngàng: đẹp, sạch, văn minh… đó chính là thành tựu cực kỳ quan trọng mà Nghị quyết 26 về Tam nông mang lại.

Vấn đề thứ 3 tôi muốn nhắc tới, đó chính là nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, liên tục phá vỡ kỷ lục về xuất siêu. Hiện chúng ta đã có 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Năm 2021, mặc dù mục tiêu Chính phủ giao là 42 tỷ USD nhưng ngành nông nghiệp đã vượt qua một cách ngoạn mục, về đích với con số không thể ngờ tới là 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020.

Vì sao tôi đánh giá cao thành tựu này, vì nó không chỉ giúp chúng ta hoàn thành công cuộc xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế xã hội; thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…

CEO ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Nghị quyết 26 mang lại nhiều giá trị lớn lao và thiết thực - Ảnh 2.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) thay đổi tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Đức Thành

Kỳ vọng nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc nhất

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì không thể né tránh những khuyết điểm, hạn chế khi sản xuất nông nghiệp (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp) vẫn ở quy mô hộ nhỏ, lẻ, manh mún và thiếu liên kết nên khó cạnh tranh trên thị trường. 

Hiện nay, mới chỉ có 8% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 92%, đồng nghĩa khó có khả năng chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và bất cập trong kết nối cung cầu nông sản.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận hạn chế do nguyên nhân khách quan mang lại khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nông nghiệp chính là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thế nhưng chính nguyên nhân khách quan này cũng đã "lộ" ra điểm yếu khác, đó chính là sự đầu tư chưa thỏa đáng cho kinh tế nông nghiệp, khiến cho ngành "yếu ớt", khó trụ vững trước các thay đổi mang tính khách quan.

Chúng ta mới sản xuất mà chưa chú trọng tới chế biến, bảo quản; đặc biệt là yếu ở khâu giống khiến chất lượng sản phẩm không cao.

Chúng ta vẫn nói với nhau khát vọng về một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh nhưng phần lớn hộ nông dân còn thu nhập thấp, chưa có kỹ năng nghề và chưa thích nghi với thị trường cạnh tranh, nhất là 53 dân tộc thiểu số mới có 6,2% số người lao động từ 15 tuổi trở lên và có 5,9% số người lao động nữ từ 21 tuổi trở lên được đào tạo nghề.

Và hạn chế lớn nhất chính là cơ chế để phát triển kinh tế nông nghiệp còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Đơn cử như việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất, thuế nhưng thực tế các chính sách này vẫn chậm đi vào cuộc sống.

Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã và đang gặp không ít khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và nhiều thủ tục liên quan đến đất đai, vay vốn, xây dựng, môi trường, vẫn còn là những điểm nghẽn làm mất nhiều thời gian.

Thông qua Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần này, tôi hy vọng những hạn chế, tồn đọng trên sẽ dần được tháo gỡ, để nông nghiệp xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế như chúng ta đã, đang mong chờ và thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem