Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn
Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn
Gia Tưởng
Thứ năm, ngày 19/10/2023 13:43 PM (GMT+7)
Trong khuôn khổ hội thảo "Giải pháp xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới", đại diện ngành Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Liễu Anh Minh, bên cạnh hình thức quảng bá trực tiếp, công tác truyền thông trực tuyến trên không gian mạng, các nền tảng số cũng là một phương pháp hữu ích góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Năm 2019, theo đề xuất của Sở Công Thương, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đồng ý chủ trương đưa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP Lạng Sơn lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Hiện nay, các sản phẩm OCOP Lạng Sơn vẫn tiếp tục được quảng bá trên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn... Từ đó, tạo điều kiện cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng và khẳng định nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu và tìm kiếm các đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Hiện nay, để góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác quảng bá thông tin, kết nối và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đang duy trì và ngày càng hoàn thiện, nâng cấp trang thông tin điện tử xúc tiến thương mại Lạng Sơn tại website www.langsontrade.vn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Liễu Anh Minh nêu những kết quả xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP Lạng Sơn. Gia Tưởng
Thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh Lạng Sơn về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh), Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện nội dung hỗ trợ kinh phí mở rộng thị trường theo Nghị quyết với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn năm 2021-2022 là 1.127.390.000 đồng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.Lạng Sơn tại số 211 đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn.
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Lạng Sơn thực hiện trưng bày, quảng bá các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, phiên chợ, tuần lễ quảng bá sản phẩm… khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Theo ông Liễu Anh Minh, tham gia hội chợ là cơ hội tốt cho các sản phẩm OCOP Lạng Sơn có dịp thâm nhập thị trường các tỉnh thành trong nước. Ngoài ra thông qua các hội chợ, các chủ thể có cơ hội tìm kiếm đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm về phân phối sản phẩm, đẩy mạnh thương hiệu và trao đổi hàng hóa, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Một số chủ thể tham gia hiệu quả công tác xúc tiến thương mại như: Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn; HTX nông sản huyện Chi Lăng, Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý...
Còn nhiều vướng mắc khi xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Lạng Sơn
Để các sản phẩm OCOP Lạng Sơn phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn khẳng định, công tác xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo nên thành công trong xây dựng thương hiệu và độ nhận diện của một sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian vừa qua còn gặp tương đối nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, chủ thể của chương trình OCOP hầu hết đều là những chủ thể có kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ; tính ổn định trong chất lượng sản phẩm, năng lực tự tổ chức trong đó gồm có năng lực tự xúc tiến thương mại của các chủ thể còn yếu.
Sự tham gia của các chủ thể chưa được chủ động, một số chủ thể chưa thực tự nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm để thương hiệu được lan rộng và phát triển theo hướng bền vững. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể còn ít, chưa có website thương mại điện tử riêng hoặc có xây dựng nhưng không thể duy trì dẫn đến việc nắm bắt cơ hội thị trường bán lẻ trực tuyến còn hạn chế.
Những sản phẩm OCOP Lạng Sơn vẫn tiếp tục tìm đầu ra một cách tích cực hơn nữa. Ảnh: Gia Tưởng
Thị trường đầu ra của sản phẩm còn nhỏ hẹp, tính cạnh tranh với các sản phẩm OCOP của địa phương khác là một vấn đề cần được quan tâm. Các sản phẩm OCOP Lạng Sơn cần được tiếp tục chú trọng hoàn thiện, phát triển hơn về chất lượng và độ nhận diện, thương hiệu.
Ngoài ra, các sản phẩm có sản lượng cung cấp còn ít nên khó khăn trong công tác tìm kiếm đối tác do chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác về số lượng hàng hóa cung ứng và bảo quản sản phẩm. Số lượng, chủng loại hàng hóa trong tỉnh tại các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP chưa thực sự phong phú, đa dạng. Một số sản phẩm có thông tin quảng cáo trên website, các sàn thương mại điện tử nhưng không duy trì được việc bán hàng thường xuyên do một số sản phẩm có tính chất theo thời vụ.
Mặt khác, các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa nhiều và phong phú. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu chủ yếu tập trung đối với các sản phẩm OCOP, chưa có nhiều các hoạt động xúc tiến đối với các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.