Con số hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp mỗi năm không chỉ là nỗi lo sợ của toàn xã hội mà còn là rào cản tâm lý của rất nhiều ông bố bà mẹ đang có con ở lứa tuổi sắp tốt nghiệp cấp 3.
Từ nhiều năm nay, khi nhìn vào cánh cổng trường đại học, họ không chỉ thấy mỗi màu hồng mà bắt đầu có những hồ nghi: Vào đại học rồi liệu tương lai sẽ tươi sáng? Sẽ có việc làm ổn định?... Chính bởi vậy, có không ít người dù đỗ đại học nhưng vẫn quyết định từ bỏ để khỏi phải lo nỗi lo cử nhân thất nghiệp.
Lấy tiền ăn học làm của hồi môn
Nguyễn Thị T. (sinh năm 1996, Vĩnh Phúc) là một trường hợp như vậy. T. là chị cả của một gia đình khá giả, có học lực khá và nuôi dưỡng ước mơ được ngồi trên ghế giảng đường từ lâu. Tốt nghiệp THPT, T. quyết định đăng ký dự thi vào hai trường: Đại học công nghiệp Hà Nội và Đại học Lao động Xã hội Hà Nội.
Chăm chỉ ôn thi suốt năm lớp 12 cho đến cận ngày thi, cô gái Vĩnh Phúc đã cùng lúc đỗ cả hai trường với số điểm 18,5 và 19,5. Sau những phút bất ngờ và sung sướng, T. bắt đầu hình dung ra cuộc sống màu hồng của một sinh viên đại học với những trải nghiệm thú vị và một tương lai rạng rỡ.
T. là một cô gái xinh xắn, sinh ra trong một gia đình có điều kiện (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bố mẹ T. thì khác. Ngay từ đầu, họ đã coi việc đi thi đại học của T. chỉ là một “cuộc chơi” vì tin rằng T. sẽ không đỗ mà có đỗ cũng khó có thể tìm được việc làm sau khi ra trường. Khi biết con gái đỗ đại học, họ cũng bất ngờ không kém nhưng thay vì sung sướng và chuẩn bị hành trang cho con gái xuống Hà Nội ăn học thì họ lại bắt đầu “nhồi nhét” vào đầu T. những nỗi lo về việc làm sau này.
“Mày không thấy mỗi năm có cả nghìn sinh viên thất nghiệp à, người ta học giỏi còn chẳng ăn ai, nói gì đến mình chỉ học làng nhàng. Thà ở nhà với bố mẹ một vài năm rồi có ai yêu thương thì đi lấy chồng. Đi học 4 năm rồi thất nghiệp lại già xấu thì ai dám lấy”… Đó là lý lẽ mà T. thường xuyên nghe thấy trong những suốt những ngày sau khi nhận được thông báo đỗ đại học.
Thậm chí, bố mẹ T. còn hứa, nếu chấp nhận ở nhà thì toàn bộ số tiền nuôi cô 4 năm ăn học sẽ cho T. làm của hồi môn. Gia đình T. khá giả, tiền ăn học không phải là vấn đề quá lớn, tuy nhiên, điều mà họ lo nhất là sau khi ra trường không có việc làm, không những “mất mày mất mặt” mà còn lãng phí thời gian.
Đang ở tuổi tâm lý chưa vững lại bị bố mẹ tác động nhiều nên quyết tâm theo đuổi con đường đại học của T cũng dần lung lay. Một tháng sau, T. vẫn quyết định nhập học nhưng không phải để học mà chỉ để “thử” cảm giác làm sinh viên.
Bỏ học lấy chồng
Trong suốt tháng đầu tiên ngồi trên ghế nhà trường, T. đã phải đấu tranh tâm lý rất nhiều giữa việc học hay bỏ.
“Đi học xa, mình nhớ nhà lắm. Môi trường lạ lẫm, bạn bè chưa thân thiết lại thêm chuyện bố mẹ vẫn muốn mình về nhà nên mình rất phân tâm. Thật ra, mình cũng lo lắng sau này ra trường thất nghiệp vì trong làng đã có rất nhiều anh chị đi học xong đại học về làm công nhân. Hơn nữa, bố mẹ lại không ủng hộ nên lúc ấy mình chán lắm”, T. chia sẻ.
Cuối cùng, cô gái 18 tuổi đã quyết định từ bỏ con đường đại học. Một tháng làm sinh viên cũng cho T. nhiều điều như: những người bạn mới, trải nghiệm mới… nhưng từng ấy thứ không đủ để giữ chân cô gái trẻ có bố mẹ mất niềm tin vào con và môi trường đại học.
“Không phải bố mẹ không muốn cho mình đi học mà họ chỉ lo lắng sau này ra trường mình không có việc làm. Lúc ấy, đi làm công nhân thì không đành mà về nhà “ăn không ngồi rồi” cũng không được. Con gái có thì, sau 4 năm cũng chẳng còn xuân sắc như bây giờ mà kén chọn”, T tâm sự.
Ba tháng sau đó, T. lấy chồng. Chồng của T. là con trai của một gia đình khá giả trong làng. Bố mẹ và gia đình T. đều mừng rỡ vì con gái tìm được một “bến đỗ” yên ấm, duy chỉ có cô gái trẻ là không ít lần vẫn cảm thấy nuối tiếc mỗi khi nghĩ về cánh cổng trường đại học và một cuộc sống sôi động, nhiều màu sắc.
Con số hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp mỗi năm không chỉ khiến các sinh viên sắp ra trường lo lắng mà còn khiến học sinh và phụ huynh của của các thế hệ sau hoang mang. Tuy nhiên, những ai thực sự tin vào khả năng của con cái chắc chắn vẫn sẵn sàng để con “bay nhảy”, vùng vẫy trong trường học, trường đời rồi tự tìm thấy hướng đi phù hợp nhất bởi, cuộc sống vốn là một ẩn số.
***
Thất nghiệp là nỗi lo lớn của các cử nhân cũng như các bậc phụ huynh. Có những ông bố, bà mẹ vì con cái chưa tìm được việc làm sau khi ra trường mà thấy "mất mày mất mặt" rồi vô tình gây áp lực lớn cho con cái. Mời các bạn độc giả đón đọc phần tiếp theo: "Bố "muối mặt" vì con thất nghiệp" vào lúc 11h00 ngày 6/11/2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.