Xuôi về Chămpasak

Thứ bảy, ngày 05/02/2011 08:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi đến vùng đất Nam Lào, sông Mekong uốn khúc qua cao nguyên Boloven và chảy giữa vùng đồng bằng màu mỡ Chămpasak trước khi vượt thác Khôn để qua tỉnh Stungtreng của đất nước chùa Tháp.
Bình luận 0

Chămpasak là một trong 3 vựa lúa lớn nhất của Lào, có thủ phủ là thành phố Pakse. Pakse theo tiếng Lào có nghĩa là cửa sông, nơi dòng sông Sê Đôn gặp dòng sông Mekong, được xây dựng bởi người Pháp vào năm 1905, là một trong những đô thị lớn, sầm uất của Lào, có khoảng 5.000 Việt kiều sinh sống.

img
Tác giả ở Watphu (Chămpasak, Lào).

Chămpasak có nhiều thắng cảnh đẹp như Watphu, thác Khôn Phapheng. Trong đó, Watphu là quần thể những ngôi đền cổ theo phong cách Khmer được xây dựng từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2001.

Là biên giới tự nhiên giữa Lào và Thái Lan trên chiều dài gần 1.000km, Mekong chảy trong ký ức của bao thế hệ người Việt Nam đã gắn bó với đôi bờ của dòng sông này.

Để đến Watphu từ Pakse, chúng tôi phải lên phà qua sông Mekong. Chiếc phà cũ kỹ ì ạch trôi qua đoạn sông có chiều rộng hơn 500m. Những đứa trẻ Lào đen đủi khẩn khoản mời người qua phà mua những ngó sen còn tươi non. Bến sông lúp xúp những quán hàng bán các sản phẩm gia dụng làm bằng gỗ với giá rẻ bất ngờ.

Lào là xứ sở của các loại gỗ quý với 70% diện tích là rừng nguyên sinh. Xuất khẩu lâm sản là thế mạnh của đất nước này. Hầu như các khách sạn nhà hàng, nhà ở đều sử dụng gỗ trong trang trí nội thất.

Từ bến phà, con đường nhỏ đưa chúng tôi qua trung tâm hành chính của huyện Chămpasak, là một vùng dân cư khá đông đúc, với những cánh đồng lúa xanh tốt do được cung cấp bởi nguồn nước và phù sa sông Mekong. Bất ngờ, chúng tôi gặp một tượng Phật lớn ở dưới một gốc đa cổ thụ.

Ở Lào, tượng Phật ngoài được đặt ở những nơi linh thiêng hay chùa chiền, còn có thể gặp trên đường đi, trong các hang động. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Lào cũng như Thái Lan, ở đây mỗi sáng sớm có thể bắt gặp những đoàn nhà sư trong màu áo nâu - vàng lặng lẽ đi trên các con phố. Những người dân thành kính bỏ vào những chiếc âu mà họ mang theo những típ xôi, những hoa thơm trái ngọt, cầu phúc cho một ngày tốt lành.

Chị Nikham Buasisuk - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Chămpasak đi cùng chúng tôi lên ngọn núi thiêng để có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu di tích bên dòng Mekong. Thế núi, hình sông, sự tài hoa của những cư dân cổ đã tạo nên vẻ kỳ vĩ, tráng lệ của Watphu dù nó đã đổ nát, hoang tàn theo thời gian.

Không xa khu di tích Watphu, ở gần biên giới Lào và Campuchia, là thác Khôn PhaPheng còn được gọi là thác Phật Ca - một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ hấp dẫn khách du lịch. Nó còn là nguồn cảm hứng vô tận của các văn nghệ sĩ Lào qua các thời đại. Ở đây có 4.000 hòn đảo nhỏ - tiếng Lào gọi là xiphanhdon và loài cá heo nước ngọt nổi tiếng Irrawaddy. Tiếng thác đổ rì rầm, len lỏi qua các vách đá tạo thành khúc nhạc trầm bổng như tiếng gọi muôn thuở của núi rừng, sông núi vang đến những bản làng xa.

Chị Nikham từng có nhiều năm học ở Trường Lào Sơn Tây nên nói tiếng Việt khá thành thạo. Chia tay chúng tôi trên con thuyền xuôi trên dòng Mekong với những món ăn đặc sản của Lào như lạp - món nướng từ cá được đánh bắt trên dòng sông Mẹ, chị hát bài "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", bài hát mà chúng tôi đã nghe ở rất nhiều nơi trên đất nước Lào, nhiều thế hệ đã lớn lên trong tình cảm gắn bó anh em keo sơn ruột thịt. Sau những điệu Lăm vông thắm tình hữu nghị, con thuyền trôi đi trong sóng nước Mekong, hòa trong lời ca: Đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…

Nhìn từ trên cao, chúng tôi ngỡ ngàng khi nhận thấy những điểm tương đồng của Watphu với di sản thế giới Mỹ Sơn của Việt Nam. Phải chăng cách đây hơn chục thế kỷ đã có sự giao thoa văn hóa rất mạnh mẽ giữa các quốc gia trong vùng. Cùng với Cố đô Luôngphrabang, Watphu là niềm tự hào của người dân Lào khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem