Yên Bái: Huyện Yên Bình quyết tâm về đích Nông thôn mới trong năm 2023

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ tư, ngày 08/11/2023 08:07 AM (GMT+7)
Huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, nỗ lực đưa huyện về đích nông thôn mới trong năm 2023. Đến thời điểm này, các tiêu chí đã cơ bản hoàn thành, huyện đã có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.
Bình luận 0

Phát huy nguồn lực tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới

Huyện Yên Bình nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Yên Bái với diện tích đất tự nhiên trên 77.000ha với hơn 114.000 dân, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48%.

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã của huyện Yên Bình bình quân đạt 4,8 tiêu chí. Đến hết năm 2022, huyện Yên Bình đã có 22/22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 thôn kiểu mẫu.

Kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện; cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; đời sống văn hóa, xã hội của người dân được nâng lên. Đặc biệt, chương trình đã từng bước khơi dậy được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân cư nông thôn, tạo sự lan tỏa và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm kinh tế giỏi, đặc biệt là sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi...

Anh Hoàng Văn Thực (thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình) là một trong những hộ gia đình dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi sang nuôi bò 3B vỗ béo.

"Được sự định hướng và hỗ trợ một phần con giống từ chính quyền địa phương, năm 2020 gia đình tôi đã phát triển mô hình nuôi bò 3B vỗ béo mang lại thu nhập tương đối ổn định, nên kinh tế gia đình bớt khó khăn hơn trước. Từ đó, tôi đã vận động và hướng dẫn kỹ thuật cho một số hộ gia đình phát triển mô hình này, đồng thời định hướng sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi trong thời gian tới, tiến tới thành lập HTX để giúp đỡ nhiều hộ có thêm thu nhập" - anh Thực chia sẻ.

Huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) quyết tâm về đích Nông thôn mới trong năm 2023 - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi bò 3B vỗ béo của gia đình anh Hoàng Văn Thực (thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hà Thanh

Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Yên Bình luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, ngành địa phương, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tích cực tham gia đóng góp công sức, của cải của nhân dân các dân tộc trong huyện góp phần tạo nên sức mạnh, nguồn lực to lớn để hoàn thành bền vững các tiêu chí xây dựng NTM.

Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái quyết tâm về đích Nông thôn mới trong năm 2023 - Ảnh 2.

Huyện Yên Bình phát huy mọi nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung tâm Văn hóa huyện Yên Bình

Tuy nhiên, Yên Bình cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM do là huyện miền núi vùng thấp, địa hình chia cắt mạnh bởi hồ Thác Bà, có nhiều xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm các tiêu chí NTM thấp. Quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, hạn chế; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo lớn. Nhưng vượt qua tất cả, huyện đã tận dụng, phát huy những lợi thế và nguồn lực sẵn có để từng bước thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

Diện mạo nông thôn đổi thay nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn lực huy động thực hiện xây dựng huyện NTM trên địa bàn huyện Yên Bình đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện Yên Bình đã phát huy tốt việc vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn lực hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Các nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM được huyện ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các tiêu chí giao thông, trường học, chợ, nhà ở, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường,... và tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái quyết tâm về đích Nông thôn mới trong năm 2023 - Ảnh 3.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh cắt băng khánh thành công trình đường giao thông thôn Ngòi Ngù đi trung tâm xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Ảnh: Trung tâm Văn hóa huyện Yên Bình

Ông Nguyễn Kiều Hưng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đại Minh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết, là địa phương được huyện lựa chọn để xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2023, đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí và đang chờ thẩm định của trên. Nhận thấy địa phương có tiềm năng về phát triển cây ăn quả, do đó trong những năm qua, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây bưởi vào trồng với diện tích lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó nhiều hộ đã có thu nhập khá, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hoàn thành tiêu chí về thu nhập trên địa bàn.

Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện Yên Bình đã bê tông hóa 630,3km đường giao thông nông thôn; mở mới được 32,5km đường đất; góp phần kiên cố hóa gần 90% hệ thống giao thông nông thôn, với tổng nguồn lực đầu tư gần 900 tỷ đồng; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 95 công trình với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Hệ thống điện nông thôn thường xuyên được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã xây mới, cải tạo nâng cấp 18 nhà văn hóa xã; 22 công trình khu thể thao xã; xây mới 4 hội trường đa năng...

Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái quyết tâm về đích Nông thôn mới trong năm 2023 - Ảnh 4.

Trung tâm hành chính huyện Yên Bình được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Trung tâm Văn hóa huyện Yên Bình

Dự kiến đến hết năm 2023, huyện Yên Bình có 6/22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao chiếm 27,3%. Mục tiêu đến năm 2025, huyện có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 xã bảo đảm các tiêu chí NTM thông minh, huyện đạt từ 3 - 5 tiêu chí huyện NTM nâng cao.

Nông nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Trao đổi với PV Dân Việt, ông An Hoàng Linh – Bí thư Huyện ủy Yên Bình khẳng định: Huyện Yên Bình luôn xác định vai trò, vị trí quan trọng của phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Những năm qua Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Các vùng sản xuất hàng hóa khá lớn bước đầu được hình thành, góp phần thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững, hiệu quả như: Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trên 4.200ha, trong đó có trên 600ha thâm canh cao sản; vùng cây ăn quả với trên 2.174ha, các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi Đại Minh, bưởi Da xanh, cam V2...; vùng trồng chè với gần 500ha...

Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái quyết tâm về đích Nông thôn mới trong năm 2023 - Ảnh 5.

Bưởi Đại Minh, sản phẩm chủ lực của xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã đạt chứng nhận OCOP. Ảnh: Hà Thanh

Yên Bình hiện có 18 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, được thực hiện tại 22/22 xã với 35 sản phẩm OCOP; một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng như: Bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà, cá hồ Thác Bà, chè Hán Đà...

Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong chăn nuôi, thủy sản đã xuất hiện nhiều mô hình theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Với tiềm năng, lợi thế về phát triển thủy sản, gỗ rừng trồng, sản xuất chè, huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản quy mô khá lớn.

Cùng với đó, Yên Bình đã tập trung thu hút được các doanh nghiệp, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, chế biến sâu vào địa bàn; đầu tư phát triển sản xuất trên cơ sở khai thác vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Phát huy thế mạnh vùng hồ Thác Bà, huyện đã chú trọng phát triển dịch vụ du lịch, từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thu hút một số nhà đầu tư có tiềm năng vào khảo sát, triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch vùng hồ, hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện đạt khoảng 170 tỷ đồng.

Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái quyết tâm về đích Nông thôn mới trong năm 2023 - Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra thực địa Đồ án quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà. Ảnh: Trung tâm Văn hóa huyện Yên Bình

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, đồng thuận của người dân trên địa bàn, huyện Yên Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 53 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, thu ngân sách dự ước đạt 400 tỷ đồng, tăng gấp 6,4 lần so với năm 2011.

Với việc tận dụng những lợi thế sẵn có tại địa phương cùng với sự tranh thủ các nguồn lực huy động, huyện Yên Bình đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để đưa huyện về đích NTM trong năm 2023 theo đúng kế hoạch đề ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem