Yêu cầu hoàn thiện, nghiên cứu đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy

Bách Thuận Thứ ba, ngày 18/06/2024 18:58 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 182 UBND về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025".
Bình luận 0

Phấn đấu xây dựng Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử

Theo đó, kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thành phố về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm chính trị cao để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại".

Đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.

Phấn đấu xây dựng TP.Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Theo kế hoạch được UBND TP.Hà Nội ban hành, thứ nhất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Yêu cầu hoàn thiện, nghiên cứu đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy- Ảnh 1.

Kế hoạch do UBND TP.Hà Nội thể hiện nội dung phấn đấu xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình. Ảnh: TP.HN

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Cụ thể, xây dựng khung kế hoạch, lộ trình thực hiện và giao nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị về các nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị số 30 gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Lựa chọn các nội dung nhiệm vụ đã triển khai hiệu quả, có sức lan tỏa để tiếp tục ưu tiên đầu tư: xây dựng mô hình mẫu, điển hình theo từng nội dung, nhiệm vụ của Chỉ thị nhằm phát huy lợi thế sẵn có của từng đơn vị, địa phương. Tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết, khen thưởng vinh danh các tập thể, cá nhân thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Chỉ thị đề ra.

Tiếp tục chủ động thực hiện việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng bộ TP.Hà Nội về văn hóa theo đường lối, quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào ngày 24/11/2021:

Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố, các Quyết định của UBND Thành phố đã ban hành về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để bổ sung, sửa đổi, ban hành các Nghị quyết phù hợp với thực tiễn phát triển của Thành phố.

Tổ chức các hội thảo khoa học triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới gắn với thực tiễn thực hiện các giá trị văn hóa, giá trị gia đình, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng và ban hành tiêu chí Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Thôn văn hóa; xã, phường tiêu biểu; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; xây dựng tiêu chí Người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nghiên cứu đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy

Thứ ba, xây dựng Người Hà Nội phát triển toàn diện, "Hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh" tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Theo đó, xây dựng gia đình Thủ đô no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng môi trường văn hóa học đường. Trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, UBND TP.Hà Nội yêu cầu hoàn thiện tài liệu và nghiên cứu đưa nội dung môn Hà Nội học vào chương trình giảng dạy tại các nhà trường, thực hiện tiêu chí Trường học hạnh phúc.

Mặt khác, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh còn bao gồm xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa; xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

Yêu cầu hoàn thiện, nghiên cứu đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy- Ảnh 2.

UBND TP.Hà Nội yêu cầu hoàn thiện tài liệu và nghiên cứu đưa nội dung môn Hà Nội học vào chương trình giảng dạy tại các nhà trường. Ảnh: Hà Nội mới

Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa ở cơ sở và hoàn thiện nâng cao chất lượng hiệu quả của các thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng việc xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, gắn xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.

UBND TP.Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể Thành phố, các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch.

Phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố, các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao trong Kế hoạch.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh và triển khai các hoạt động giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục.

Xây dựng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử… trong học sinh các cấp; tôn vinh gương hiếu học, thực hiện tốt chương trình khuyến học, khuyến tài.

Chỉ đạo toàn ngành xây dựng văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục, xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học phù hợp với từng cấp học, từng độ tuổi đáp ứng yêu cầu xây dựng con người văn hóa, phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Chỉ đạo thực hiện hiệu quả, linh hoạt việc lồng ghép giáo dục kiến thức pháp luật vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoại khóa phù hợp với độ tuổi, cấp học; nhân rộng những mô hình "Trường học hạnh phúc" để tạo nên những ngôi trường có môi trường học tập thực sự an toàn, văn hóa góp phần giáo dục hình thành hệ giá trị tốt đẹp cho học sinh…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem