Tại buổi làm việc với đoàn, Đại sứ Cao Trần Quốc Hải-Đại sứ quán Việt Nam tại Israel giới thiệu tổng quan về tình hình nông nghiệp, nông thôn, nông dân của quốc gia này và quan hệ giữa với Việt Nam. Ông Trần Quốc Hải cho biết, quan hệ Việt Nam-Israel đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Quốc gia này có nền khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, nhất là công nghệ trong nông nghiệp mà Việt Nam có thể học tập, như công nghệ sản xuất giống, tưới tiêu nhỏ giọt, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, công nghệ bảo quản, chế biến …
Đoàn cán bộ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm quan vườn canh tác của Công ty Thiết bị và Bí quyết Nông nghiệp Green 2000.
Chủ tịch Lại Xuân Môn cám ơn Đại sứ quán đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan của Israel bố trí chương trình làm việc cho đoàn. Ông Lại Xuân Môn cho rằng, trong 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nông nghiệp Việt Nam cần có những chính sách đột phá, công nghệ mới thì mới khắc phục được những thách thức, khó khăn, để kinh tế nông nghiệp tiếp tục trở thành trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân. Mục đích của đoàn là nghiên cứu các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Israel làm cơ sở đề xuất với Đảng, Nhà nước các chính sách phù hợp với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII.
Nông nghiệp được ví như “thời trang”
Chiều cùng ngày, đoàn có buổi làm việc với Công ty Thiết bị và Bí quyết Nông nghiệp Green 2000. Đây là đơn vị chuyên cung cấp hạt giống rau quả các loại, phục vụ cho trồng rau quả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Tất cả hạt giống đều được sản xuất với bí quyết và công nghệ tốt nhất để cho sản lượng cao, sức đề kháng bệnh và chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu.
Đoàn công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch TƯ Hội NDVN Lại Xuân Môn dẫn đầu (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Công ty Thiết bị và Bí quyết Nông nghiệp Green 2000.
Ông Chin Abner, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Công ty đã giới thiệu với đoàn những ý tưởng về nông nghiệp công nghệ cao và khẳng định, ở quốc gia này, nông nghiệp công nghệ cao chính là “thời trang”. Nghĩa là người nông dân phải sản xuất gia sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Công nghệ cao ai cũng có thể làm được, không phải đầu tư lớn, không nhất thiết cứ phải sử dụng nhà kính, nhà lưới, trang thiết bị hiện đại mới là công nghệ cao, mà chính là tạo ra sản phẩm mới, được thị trường chấp nhận, mặc dù có thể tốn nhiều công sức làm thủ công.
Ông cũng giới thiệu với đoàn các dự án của Công ty đang triển khai ở châu Phi, châu Á, nhất là mô hình Trung tâm Đào tạo và Dịch vụ Nông nghiệp đang triển khai tại Senegal. Trung tâm là đơn vị cung cấp các dịch vụ cho các hộ nông dân, như giúp nông dân lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, đào tạo nâng cao trình độ sản xuất cho nông đân, cung cấp dịch vụ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc nông nghiệp, đồng thời thu mua, phân loại, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ cho nông dân. Trung tâm do Hiệp hội Nông dân quản lý…
Chủ tịch Lại Xuân Môn thể hiện sự đồng tình với ông Chin Abner về quan niệm nông nghiệp công nghệ cao và bày tỏ mong muốn được học tập kinh nghiệm phát triển, ứng dụng công nghệ cao của Israel, cũng như mô hình Trung tâm Đạo tạo và Dịch vụ Nông nghiệp Công ty đang triển khai.
Chủ tịch cho biết, Israel có các điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn hơn so với Việt Nam, nhưng lại có nền nông nghiệp rất phát triển vào hàng bậc nhất thế giới.Đây chính là điều mà đoàn mong muốn tìm hiểu, học tập.
Giống mới, làm nhiều hơn nói, nói đi đôi với làm
Trao đổi với đoàn, ông Chin Abner cho rằng giống mới, cây trồng mới, làm nhiều hơn nói, nói đi đôi với làm-là những yếu tố sẽ tạo ra sự khác biệt trong sản xuất nông nghiệp. Ông đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của giống. Ông lấy ví dụ ở Ấn Độ, đất nước 1,3 tỉ dân, nhưng chỉ sử dụng có 2 giống lựu, sẩn phẩm chỉ được thu hoạch và tiêu thụ trong 1 tháng. Trong khi Israel có trên 20 giống lựu, sản phẩm được thu hoạch và tiêu thụ quanh năm. Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đứng hàng đầu thế giới. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục sản xuất lúa gạo như hiện nay thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, mà cần phải có những bộ giống mới hoặc phải chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Chủ tịch Lại Xuân Môn nhất trí với những chia sẻ của ông Chin Abner và cũng cho rằng, giống là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đi kèm với giống là vốn, công nghệ và thị trường là những yếu tố có thể tạo ra đột phát trong phát triển nông nghiệp. Chủ tịch Lại Xuân Môn khẳng định, những ông nghệ và dịch vụ Công ty Thiết bị và Bí quyết Nông nghiệp Green 2000 cung cấp rất cần cho nông dân, nông nghiệp Việt Nam. Hội Nông dân Việt Nam và Công ty sẽ tiếp tục trao đổi thông tin để tìm hiểu khả năng hợp tác trong thời gian tới, trong đó có việc hợp tác xây dựng Trung tâm Đào tạo và Dịch vụ Nông nghiệp tại Việt Nam…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.