Một góc nhìn thực tế về tính an toàn của hạt gạo

P.V Thứ sáu, ngày 23/10/2020 16:19 PM (GMT+7)
Chia sẻ với PV, Tiến sỹ Bùi Đức Nam chuyên gia về đánh giá và phát triển các hệ thống nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp bền vững cho biết thêm một góc nhìn rất thực tế và thú vị về tính an toàn của hạt gạo.
Bình luận 0

Chia sẻ này sẽ phần nào giúp người tiêu dùng tự rút ra các đánh giá và kết luận khách quan, tránh cảm giác khiên cưỡng trong tiếp nhận thông tin. Nôi dung trao đổi được đưa ra dưới dạng các kiến thức thực tế và dễ hiểu.

1 góc nhìn thực tế về tính an toàn của hạt gạo - Ảnh 1.

Tại sao nói hạt gạo vẫn thuộc nhóm nông sản có tính an toàn cao hơn?

- Chúng ta đã từng nghe nghe nói đến các vụ việc ngộ độc do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật( BVTV) ở đâu đó đối với sản phẩm rau, quả nhưng gần như chưa có vụ việc nào xảy ra đối với hạt gạo cho dù đây là loại lương thực có tần suất sử dụng cao nhất đối với người dân Việt trong bữa ăn hàng ngày. Các kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV trên gạo ở nhiều cơ sở phân tích, hay tại nhiều thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam cho đến nay cũng cho thấy có rất ít mẫu gạo nhận được cảnh báo so với nhiều loại nông sản khác khác, vd: rau quả và hồ tiêu... Đây là những thực tế mà nhiều người thấy rõ và hoàn toàn không phải là sản phẩm của một chiến dịch tuyên truyền một chiều.

Nguyên nhân chính do đâu thưa ông?

- Có 2 nguyên nhân chính là thời gian cách ly và đặc điểm thu hoạch của hạt lúa.

Về thời gian cánh ly:

Nếu phải sử dụng thuốc BVTV thì thời gian cách ly (thời gian ngừng phun thuốc trước thu hoạch) chính là yếu tố rất quan trọng quyết định mức dư lượng trên sản phẩm.

Với nhiều loại rau ăn lá hay cây ăn quả, sâu hại có thể phát sinh bất cứ lúc nào, kể cả tại thời điểm cận thu hoạch, để tấn công thân lá mềm hay vỏ củ quả mỏng gây ảnh hưởng gần như tức thì tới năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Đây chính là "động lực kinh tế" để những người trồng trọt thiếu ý thức vẫn còn sử dụng thuốc BVTV sát thời điểm thu hoạch gây ra các rủi ro về dư lượng khi không đủ thời gian cách ly.

Đối với cây lúa, có một điều thú vị mà phần đông người tiêu dùng chưa nắm được, đó là các loại sâu bệnh thường chủ yếu phát triển trong các thời kỳ từ khi lúa non, lúa thì con gái cho tới khi bắt đầu chín. Còn trong cuối giai đoạn chín của hạt thóc (từ cuối thời kỳ chín sáp đến chín hoàn toàn)-khoảng 7- 10 ngày trước khi thu hoạch- là giai đoạn tương đối ít bệnh và nếu còn sâu bệnh thì cũng QUÁ TRỄ để can thiệp.

Sự quá trễ này có thể hiểu là khi đến giai đoạn này thì hạt có mẩy cũng đã mẩy rồi, có lép thì cũng không cải thiện được bao nhiêu nữa. Nếu phòng trừ sâu hại thì người ta cần tiến hành từ thời điểm trước đó để cây có sức khỏe mà tích tụ dinh dưỡng vào hạt thóc chứ đã đến lúc này rồi hạt chủ yếu chỉ còn ở trên cây để chất dinh dưỡng dạng sáp trong vỏ lúa có bao nhiêu thì cứ thế mà rắn lại và chín hẳn trong sự bảo vệ của lớp vỏ cứng và được thu hoạch mà thôi. Đa phần các loại sâu hại nếu có cũng không thể cắn phá hạt trong vỏ trấu dày như chúng dễ dàng làm hại lá rau hay vỏ quả mỏng. Thân cây lúa sau khi thu hoạch hạt thóc cũng sẽ bị gặt bỏ chứ không cần phải cố "chữa trị" để cây khỏe mà cho lứa thu hái mới như nhiều loại cây khác nên nhu cầu dùng thuốc lại càng không có. Khoảng thời gian 7- 10 ngày như vậy là rất đủ để đa phần các loại thuốc BVTV trị bệnh đã bị phân hủy hoặc dư lượng nếu có cũng trở về mức rất rất thấp.

Bởi vậy, với một người chủ ruộng có chút hiểu biết cơ bản sẽ không thấy "động lực kinh tế" nào để lãng phí tiền thuốc BVTV trong khoảng thời gian này thay vì phải dùng từ trước. Đó cũng là lý do khi ngắm cảnh các cánh đồng lúa đang độ chuẩn bị chín vàng, khách du lịch hầu như không bao giờ thấy cảnh phun thuốc trên đồng (Không như ở các giai đoạn sinh trưởng khác của cây lúa).

Trong thực tế, ở miền Bắc người ta thường phun đợt cuối cách thời điểm thu hoạch ít nhất 15 ngày (nếu có rầy) và 20 ngày ở miền Nam (nếu có đạo ôn hay lem lép hạt), nghĩa là còn dài hơn khoảng thời gian đã nêu.

Về điểm thu hoạch của hạt lúa:

Phần bông lúa chính là sản phẩm cần thu hoạch thực ra chỉ chiếm một phẩn nhỏ trên tổng diện tích bề mặt phải "hứng" thuốc BVTV vốn bao gồm cả thân và lá của cây lúa. Trong khi ở đa số các loại rau thì phần thu hoạch (thân lá) lại hứng gần như toàn bộ lượng thuốc phun ra. Ngoài ra, sau khi thu hoạch hạt lúa sẽ được đem phơi, sấy (nhiệt độ cao và quạt gió) sẽ loại thêm một lượng tồn dư nếu có. Quá trình xay xát sau đó lại lột đi lớp vỏ trấu bao phủ và vỏ lụa cám bên trong càng làm cho phần lõi gạo còn lại an toàn hơn.

Vậy nhưng đâu đó vẫn có hiện tượng tồn dư thuốc BVTV, nguyên nhân chủ yếu và giải pháp khắc phục, theo ông?

- Một trong những nguyên nhân chính là vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV ở những nơi mà người nông dân, do thiếu thông tin và kiến thức, vẫn mua và sử dụng thuốc tự phát hoặc theo sự tư vấn chưa đúng đắn của các đại lý bán thuốc- vốn coi trọng mục tiêu doanh số và lợi nhuận. Việc sử dụng không chính xác về nồng độ, tần xuất phun, đi kèm với các vấn đề về chất lượng thuốc (thuốc ngoài danh mục, thuốc thẩm lậu qua biên giới) sẽ dẫn tới tồn tại dư lượng cao hơn trong sản phẩm cuối cùng. Ngành nông nghiệp trong những năm qua đã xử lý nhiều cơ sở buôn bán thuốc BVTV có vi phạm.

Mặc dù vậy, như trên tôi đã đề cập, số mẫu có dư lượng cao thuốc BVTV ở mặt hàng gạo là ít hơn ở nhiều ngành hàng nông sản khác và càng không bao giờ chiếm tới 90% tổng số mẫu gạo như có ý kiến đã nêu trên một số phương tiện truyền thông gần đây. Điều này đơn giản là do không thể có tới 90% tổng diện tích sản xuất lúa đang được canh tác bởi những người chủ ruộng thiếu "đầu óc" đến mức tự tiêu phí tiền bạc vào thuốc BVTV "rởm" hoặc sử dụng lúc quá muộn trong giai đoạn cận thu hoạch khi luôn phải tính toán từng đồng chi phí.

Chưa cần nói tới các quy trình canh tác hữu cơ, kể cả khi chúng ta chưa có điều kiện chuyển đổi hết diện tích canh tác sang các quy trình GAP (VietGAP hoặc Global GAP) nghĩa là vẫn còn nhiều diện tích canh tác theo lối "thông thường" như hiện nay thì nếu làm tốt công tác quản lý thị trường thuốc BVTV, loại bỏ các loại thuốc ngoài danh mục, và làm sao để một bộ phận người nông dân còn lại hiểu về sự lãng phí thuốc trong thời kỳ cận thu hoạch như phân tích ở phần trên thì tính an toàn của hạt gạo sẽ được cải thiện hơn.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem