1 tỷ đồng mua điểm: Mùa thi thành cú “áp phe” cho các “thầy”

Thanh Hằng Thứ ba, ngày 28/05/2019 17:52 PM (GMT+7)
Vụ gian lận điểm thi một lần nữa khiến dư luận bàng hoàng, khi Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án giai đoạn 1 với những hé lộ động trời: Hàng chục thí sinh được chính lãnh đạo ngành giáo dục địa phương chỉ đạo nâng điểm, mỗi trường hợp có giá 1 tỷ đồng. Một số bị can đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính để được nhẹ tội.
Bình luận 0

Đáng lưu ý khi ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La,đã nâng điểm cho 13 thí sinh, là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen “nhờ vả”. Đặc biệt, theo lời khai của ông Yến, trong số 13 thí sinh này, có tới 8 trường hợp do ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GDĐT Sơn La đưa để “nhờ” nâng điểm. Ngoài ông Tiến, ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GDĐT tỉnh Sơn La cũng “nhờ” nâng điểm cho  4 thí sinh.

Thông tin quả rất sốc, khi mỗi kỳ thi là một cuộc “làm ăn” béo bở của những người giữ các chức vụ quan trọng của ngành giáo dục địa phương. Hoàn toàn không phải là họ “nhờ vả” để nâng điểm cho người thân quen, với những con số nhỏ lẻ như lâu nay vẫn tưởng, mà là một đường dây làm ăn có tổ chức với số thí sinh và cả số tiền đều rất lớn. Họ, không phải là những cán bộ bình thường, mà đều là những người thầy, những người có chức vụ, nên họ hiểu hơn ai hết hậu quả của việc mình làm sẽ góp phần rất lớn gây nên sự đảo lộn giá trị xã hội, tạo sự bất công cho những học sinh thực lực. Nhưng họ vẫn cố tình biến kỳ thi tuyển chọn người tài thành một cuộc kinh doanh, vừa vô pháp, vừa vô đạo.

Với tính tổ chức của đường dây cùng các đối tượng, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Đây liệu có phải là lần đầu tiên hay chỉ là lần cuối của họ và bị bắt mà thôi?

img

Ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La (áo trắng, bên phải ảnh) trong cuộc làm việc với phóng viên Dân Việt.

Tôi đồng tình với quan điểm của bà Bùi Thị An - nguyên ĐBQH: “Đây không đơn thuần chỉ là vấn đề nâng điểm, mà là vụ án rất lớn, vừa tham nhũng, hối lộ, vừa liên quan đến chuyện phá tan niềm tin của nhân dân đối với ngành giáo dục, rất nguy hiểm. Khi bỏ ra số tiền 1 tỷ  - một số tiền không phải là nhỏ, có thể thấy họ có ý đồ hẳn hoi trong việc sắp đặt từng bước một cho con cái họ trèo vào những vị trí cao trong xã hội. Khi điểm số đã được mua bằng tiền rồi thì những người như vậy khi học xong, ra đời có thể làm được gì cho đất nước?”.

Thông tin “giá” mỗi trường hợp thí sinh gian lận phải chi ra 1 tỷ cũng như một “cú vả” đích đáng vào ai đó vẫn đang giả ngây giả ngô, tỏ ra vô tội khi nói rằng không biết con mình “bị” sửa điểm, như kiểu ai đó “gắp điểm bỏ tay người”! 1 tỷ một trường hợp, không ai đi “sửa không” cho con ông/bà mà chẳng được cái gì đâu, thưa ông! Con số 1 tỷ mỗi trường hợp gian lận đã lột trần sự vô liêm sỉ của các vị luôn tỏ ra oan uổng khi người thân của mình “được” gian lận điểm.

Một con tính đơn giản, đã thấy chỉ một mùa thi, các quan chức ngành giáo dục tỉnh này đã bỏ túi hàng tỷ đồng một cách quá dễ dàng như thế nào. Những đồng tiền nhơ bẩn không chỉ nhuộm đen nhân cách của những người cầm nó, mà còn tạo ra một loạt những cán bộ có xuất phát điểm từ sự gian trá, trong tương lai.

img

Ông Đặng Hữu Thủy - Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu (giữa) - 1 trong 8 bị can bị đề nghị truy tố.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi ông Hoàng Tiến Đức trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy!" khi phóng viên một tờ báo gọi cho ông Đức để hỏi về việc ông nhờ ông Yến nâng điểm cho 8 thí sinh. Ông phủ nhận là một chuyện, còn việc có hay không, cơ quan công an sẽ tiếp tục  làm việc trong giai đoạn 2 vì hiện mới chỉ kết thúc giai đoạn 1. Chắc chắn, việc kết luận về vai trò của ông Đức trong vụ việc gian lận điểm thi này ở mức nào, không phải là việc quá khó nếu cơ quan điều tra làm nghiêm túc.

Chưa bàn tới vai trò của ông Đức trong đường dây gian lận điểm, nhưng là người chịu trách nhiệm cao nhất của ngành giáo dục Sơn La trong vụ gian lận thi cử gây rung động toàn xã hội, mà đến nay, ông Đức vẫn điềm nhiên giữ chức Giám đốc Sở GDĐT tỉnh, thì quả là sự bỡn cợt dư luận và các phụ huynh lẫn học sinh. Đến nay, ông vẫn không từ chức, mà hơn tháng nữa sẽ nghỉ hưu theo quy định, trong khi tỉnh này lẫn Bộ GDĐT cũng không có ý kiến gì, cứ như thể ông vô can trong vụ việc có ảnh hưởng rất xấu đến ngành giáo dục cũng như địa phương, kể cũng lạ thật.

Được biết, Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo các cán bộ đảng viên có con trong danh sách những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La phải làm báo cáo giải trình. Nhưng công chúng hy vọng, sẽ không phải là những hình thức kỷ luật “cho phải phép”, khiến dư luận coi thường và phép nước bị nhờn khinh!

Bên cạnh đó, theo lời khai của các bị can cũng như trên thực tế, những người tham gia trong đường dây gian lận điểm, cũng như phụ huynh của các thí sinh có gian lận điểm, hầu hết là cán bộ lãnh đạo các cấp ở tỉnh. Với tính chất vụ việc như vậy, thiết nghĩ, tới đây, thay vì để công an địa phương tiếp tục điều tra, làm rõ, vụ việc gian lận thi cử này cần được cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, để đảm bảo sự khách quan, nghiêm minh của pháp luật cũng như niềm tin của công chúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem