10 năm nông thôn mới Kon Tum: Đăk Glei làm chuyện lớn bằng vốn nhỏ

Văn Hà Thứ ba, ngày 01/10/2019 18:50 PM (GMT+7)
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,3 triệu đồng/năm, tăng 15 triệu đồng với năm 2015.
Bình luận 0

Từ xuất phát điểm thấp

Đăk Glei là huyện biên giới nghèo, địa hình đồi núi chia cắt, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 90%, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp không đồng bộ.... Bên cạnh đó, phần lớn người dân trên địa bàn huyện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trình độ sản xuất còn hạn chế, lạc hậu.

Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, cho biết, năm 2010, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện chỉ mới đạt 2,62 tiêu chí. Trong đó, 100% các xã chưa đạt chuẩn về tiêu chí quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất…, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 9,24 triệu đồng/năm.

Việc huy động các nguồn lực (nhất là từ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn) để đầu tư phát triển hạ tầng, tổ chức sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một bộ phận người dân còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không tự nỗ lực vươn lên.

img

  Mô hình trồng cây dược liệu đẳng sâm của người dân xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) cho hiệu quả kinh tế cao. (ảnh: Văn Hà)

Tuy nhiên, xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, UBND huyện đã tập trung mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án và các nguồn lực xã hội để đầu tư. Phương châm của huyện trước hết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là các tiêu chí lớn như giao thông, thủy lợi, điện, trường...; đồng thời thúc đẩy sản xuất phát triển. Cùng với việc vận dụng nguồn vốn từ cấp trên, phải kết hợp vận động sức dân, tạo sự tự nguyện tham gia ủng hộ ngày công lao động, đất đai và tiền mặt để xây dựng NTM.

Vốn ít nhưng đầu tư hiệu quả

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình NTM, bộ mặt nông thôn của huyện Đăk Glei có nhiều chuyển biến tích cực. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Đăk G’lei phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 2 xã đạt chuẩn NTM theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum, gồm xã Đăk Pek đạt chuẩn vào năm 2019 và Đăk Môn đạt chuẩn vào năm 2020”. 
Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei

Theo ông Hoàng Trung Thông, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn huyện Đăk Glei trong 10 năm qua chỉ đạt hơn 976 tỷ đồng, bao gồm hơn 870 tỷ đồng vốn T.Ư, tỉnh; hơn 83 tỷ đồng vốn huyện và quỹ dự phòng, trên 11 tỷ đồng vốn tín dụng và gần 8 tỷ đồng do người dân đóng góp. “Tuy nhiên, mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng đều được tiến hành công khai, minh bạch” - ông Thông cho biết.

Vận dụng tối ưu nguồn vốn, huyện Đăk Glei đã xây dựng hơn 156km đường nhựa trục xã, liên xã và 58km đường bêtông trục thôn, liên thôn, nâng cấp 45km đường ngõ, xóm, 150km đường đi khu sản xuất với tổng kinh phí 562,456 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay, 9/11 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông, 11/11 xã đạt chuẩn về  tiêu chí thủy lợi.

Hiện, toàn huyện có 87/112 thôn, làng có nhà rông, 23 hội trường thôn, 10 trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% trạm y tế xã đã có bác sĩ làm việc thường xuyên. Huyện không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Thu nhập của người dân nông thôn đã đạt 26,3 triệu đồng/người/năm (tăng 15 triệu đồng so với năm 2015). Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Đăk Glei không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

UBND huyện đã xác định trọng tâm phát triển là cây cà phê, cây dược liệu (sâm Ngọc Linh và sâm dây); khuyến khích xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, UBND huyện đã tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án. Kết quả ban đầu đã có 3 nhà máy xây dựng trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem