PGS -TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân
Nhiều ưu thế riêng có
Thưa ông, tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế -xã hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có đề xuất cần đưa mặt hàng rau, quả và hoa thành mặt hàng chủ lực của đất nước. Là chuyên gia kinh tế, ông có nhìn nhận gì về đề xuất đó?
Vùng quy hoạch trồng vải thiều xuất đi Mỹ, Úc, Nhật Bản... tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Ảnh: LÊ HIẾU
"Việc sản xuất không phải bắt nguồn từ chuyện có cái gì sản xuất cái đó mà phải xem khả năng sản xuất như thế thì thị trường nào chấp nhận, họ có những đòi hỏi tiêu chuẩn, kỹ thuật gì, những yêu cầu gì trong quá trình sản xuất… Từ đó chúng ta quay trở lại để điều chỉnh hoạt động sản xuất tuân thủ theo yêu cầu của thị trường”.
PGS - TS Hoàng Văn Cường
|
- Nước ta có lợi thế rất lớn về sản xuất các mặt hàng rau, quả và hoa của vùng nhiệt đới. Ưu thế lớn là có nhiều sản phẩm chúng ta sản xuất được thì các nước không sản xuất được; có những loại rau, quả không phải là đặc trưng của vùng nhiệt đới nhưng chúng ta vẫn có thể sản xuất được trong mùa vụ các nước ôn đới, hàn đới không sản xuất được.
Ưu thế lớn để phát triển sản phẩm rau, quả và hoa không phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, kỹ thuật. Nếu như là mặt hàng công nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào công nghệ, còn nông sản chỉ phụ thuộc nhiều vào vấn đề liên quan đến khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, đây lại là những thứ chúng ta có lợi thế.
Điều kiện tiềm năng đó là cơ hội lớn để chúng ta sản xuất, xây dựng thương hiệu cho một số loại sản phẩm nông nghiệp có tính rất đặc trưng của Việt Nam, tạo thành mặt hàng chủ lực của quốc gia. Tùy theo vùng, tùy theo địa phương, sản phẩm rau, quả và hoa đó có thể trở thành những sản phẩm chính của vùng hoặc địa phương. Ví dụ như cà phê là sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên, vải thiều ở Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang)…
Năm 2016, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả, hoa đạt 2,45 tỷ USD, vượt qua xuất khẩu dầu thô (2,4 tỷ USD). Với tốc độ tăng bình quân như hiện nay, trong vài năm tới xuất khẩu rau, quả, hoa có thể sẽ đạt 10 tỷ USD/năm nếu có hướng đi đúng, thưa ông?
- Xuất khẩu nông sản nói chung và sản phẩm rau, quả và hoa nói riêng giá trị tuyệt đối có thể không cao bằng xuất khẩu một số ngành khác, chẳng hạn so với công nghiệp chế tạo. Tuy nhiên nó lại mang về giá trị thu nhập cho nền kinh tế rất cao.
Đối với sản phẩm công nghiệp chế tạo thì hàng xuất khẩu phải trừ đi giá trị nhập khẩu về nguyên liệu cho nên phần giá trị gia tăng rất ít, còn như sản phẩm nông sản xuất khẩu phần lớn giá trị đó là giá trị gia tăng, bởi nguyên liệu đầu vào đầu tư ít, đặc biệt là nguyên liệu phải nhập khẩu.
Số liệu cho thấy giá trị xuất khẩu của nông sản có thể không phải là cao so với các ngành khác, nhưng đóng góp cho nền kinh tế thực sự lớn. Với tốc độ tăng trưởng của sản phẩm này rõ ràng xu hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng lên.
Thời gian vừa qua chúng ta cũng đã chú trọng trong việc tiếp cận thị trường, xem những thị trường nào là thế mạnh của rau, quả hoa; thị trường đó họ đặt ra yêu cầu gì về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, quá trình sản xuất... Chúng ta cũng đã định hướng cho người nông dân hình thành nên những vùng sản xuất theo tiêu chuẩn riêng, khi đã hình thành những vùng sản xuất như vậy thì sản phẩm làm ra sẽ dễ ràng được chấp nhận khi đưa vào thị trường quốc tế. Với cách làm như vậy tốc tộ tăng trưởng của mặt hàng rau, quả và hoa sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới.
Xem thị trường trước khi sản xuất
Thực tế cho thấy để người nông dân sản xuất ra một lượng nông sản lớn không phải là điều khó. Nhưng nếu đưa rau, quả, hoa thành mặt hàng chủ lực mà thiếu giải pháp căn cơ thì chúng ta sẽ không thoát câu chuyện được mùa mất giá?
- Sản xuất nông nghiệp của chúng ta hay xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá lại mất mùa là do việc sản xuất theo phương thức của thời bao cấp, kế hoạch hóa tập trung, nghĩa là có cái gì sản xuất ra cái đó để thỏa mãn nhu cầu của người sản xuất cũng như những người dân trong nước. Như thế cứ vùng nào tiện về sản phẩm gì, có lợi thế gì thì tập trung sản xuất ra mặt hàng đó. Người nông dân không nghĩ được vấn đề sản xuất sản phẩm này ra thì giải quyết cái gì, cho thị trường nào, đáp ứng người tiêu dùng ở đâu... Chính vì vậy khi người nông dân sản xuất được mùa thì lại không có thị trường tiêu thụ, vì nó vượt quá khả năng tiêu thụ nội bộ và rơi vào tình trạng được mùa mất giá.
Hiện nay chúng ta chuyển sang mô hình sản xuất phải theo thị trường, nông sản cũng phải nằm trong quy luật đó. Vậy thì việc sản xuất không phải bắt nguồn từ chuyện có cái gì sản xuất cái đó mà phải xem khả năng sản xuất như thế thì thị trường nào chấp nhận, họ có những đòi hỏi tiêu chuẩn, kỹ thuật gì, những yêu cầu gì trong quá trình sản xuất… Từ đó chúng ta quay trở lại để điều chỉnh hoạt động sản xuất tuân thủ theo yêu cầu của thị trường. Nếu chúng ta làm tốt khâu kết nối với thị trường tiêu thụ, sau đó điều chỉnh hoạt động sản xuất, khi đó mới tránh được tình trạng sản xuất ra nhiều nhưng không tiêu thụ được, rồi sản phẩm rớt giá, mất giá.
Để phát triển rau, quả và hoa thành mặt hành chủ lực của đất nước, xuất khẩu ra thị trường thế giới, theo ông cần phải tập trung tháo gỡ những rào cản nào?
- Tôi nghĩ rào cản thứ nhất đối với sản xuất nông sản nói chung trong đó có rau, quả và hoa để trở thành sản phẩm thực sự có thế mạnh vươn ra thị trường quốc tế là hiện nay chúng ta chưa đạt được công nghệ sản xuất. Công nghệ sản xuất này phải đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn kỹ thuật. Còn về chất lượng sản phẩm cái đó phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng, những thứ như đã phân tích là chúng ta có lợi thế.
Đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nghĩa là vấn đề an toàn vệ sinh, sử dụng yếu tố đầu vào, đó là những thứ chúng ta chưa kiểm soát tốt. Người nông dân sản xuất quy mô nhỏ rất khó áp dụng công nghệ tiên tiến, phải ở những nơi sản xuất quy mô lớn thì mới đủ khả năng đầu tư kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Chính vì thế Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ để hình thành nên những mô hình sản xuất ở quy mô nhất định.
Vấn đề thứ hai là vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Hỗ trợ ở đây nghĩa là Nhà nước phải nghiên cứu thị trường quốc tế thế nào, nhu cầu của các thị trường đó ra sao, những tiến bộ trong khoa học, kỹ thuật trên thế giới áp dụng vào sản xuất nông sản thế nào, đó là những thứ Nhà nước phải định hướng cho những người sản xuất. Thậm chí có những chính sách khuyến khích chuyển giao ứng dụng công nghệ cho cơ sở sản xuất , khi cơ sở sản xuất tiếp nhận được công nghệ, kỹ thuật đó, đồng thời sản xuất theo đúng quy trình đảm bảo tiêu chuẩn thì sản phẩm làm ra sẽ đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Yếu tố thứ ba là vai trò của Nhà nước trong việc kết nối giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ. Việc kết nối đó phải qua hai bộ phận. Thứ nhất là Nhà nước đóng vai trò tạo ra khung môi trường vĩ mô, ví dụ như những thỏa thuận hợp tác quốc tế. Trong việc thỏa thuận đó có thể những ràng buộc về trao đổi thương mại, các nước họ chấp nhận của chúng ta sản phẩm này, chúng ta chấp nhận sản phẩm khác của họ, trên cơ sở đó chúng ta xem sản phẩm gì là thế mạnh, có ưu thế để đưa vào các thỏa thuận thương mại mang tính quốc tế.
Vấn đề thứ hai là bản thân những người sản xuất, không phải là cá thể mà phải là đại diện cho người sản xuất, ví dụ như hiệp hội của người sản xuất hoặc những tổ chức làm nhiệm vụ xuất khẩu, họ phải đứng ra kết nối những người sản xuất lại để đưa sản phẩm vào thị trường mà Nhà nước đã tạo ra.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.