1,2 triệu lao động trong DNNN thu nhập 11,9 triệu đồng/tháng
Chiều 10/7, Bộ Kế hoạch&Đầu tư (KHĐT) đã tổ chức lễ công bố “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019”, nhằm cung cấp thông tin toàn cảnh về thực trạng phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, loại hình doanh nghiệp và theo địa phương.
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng kì năm trước.
Tính theo theo địa phương, có 26/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 cao hơn bình quân cả nước như: Bình Dương, Bắc Giang, Sóc Trăng, Long An, Hưng Yên… Trong đó, 37/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 thấp hơn mức bình quân cả nước như: Hà Giang, Bắc Cạn, An Giang, Cà Mau…
Tổng số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 DN, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016.
Trong đó, Khu vực doanh nghiệp nhà nước (bao gồm công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn Nhà nước lớn hơn 50%, doanh nghiệp khu vực nhà nước bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành viên cấp 1,2,3,4) có 2.486 doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, chiếm 0,4% số doanh nghiệp cả nước, giảm 6,6% so với cùng thời điểm năm 2016.
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 541.753 doanh nghiệp, chiếm 96,7% số doanh nghiệp cả nước; khu vực FDI có 16.178 doanh nghiệp, chiếm 2,9% số doanh nghiệp cả nước, tăng 15,5%.
Về cơ cấu lao động, tại thời điểm cuối năm 2017, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016.
Trong đó, số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước là 1,2 triệu người, chiếm 8,3% lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giảm 6,5% so với năm 2016. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện thu hút nhiều lao động nhất với 8,8 triệu lao động, chiếm 60,6% tăng 2,7%; khu vực doanh nghiệp FDI thu hút 4,5 triệu lao động, chiếm 31,1% tăng 8,6%.
Về kết quả kinh doanh, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876.700 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200.900 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 124.900 tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%).
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291.600 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384.100 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.
Thu nhập bình quân tháng một lao động của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 đạt 8,3 triệu đồng, tăng 10,1% so với năm 2016.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2017 đạt cao nhất với 11,9 triệu đồng, tăng 4,4% so với năm 2016 (trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 11,4 triệu đồng, tăng 0,8% so với năm 2016).
Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 9,0 triệu đồng, tăng 6,2%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mặc dù có mức thu nhập của người lao động thấp nhất trong 3 loại hình doanh nghiệp năm 2017 với 7,4 triệu đồng nhưng là khu vực có tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động nhanh hơn, tăng 15,1% so với năm 2016.
1.000 dân có 14,7 doanh nghiệp hoạt động, Việt Nam đang đứng ở đâu?
Biểu dương những nỗ lực của Bộ KHĐT trong việc phối hợp với các Bộ, ngành và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN biên soạn, công bố ấn phẩm “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 cung cấp bức tranh khá đầy đủ, toàn diện về sự phát triển của DN nước ta năm 2018 và giai đoạn 2016-2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ công bố "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019".
“Tôi có thể khẳng định, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 là ấn phẩm quan trọng và cần thiết giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương cũng như các Hiệp hội, nhà đầu tư có được thông tin phong phú với độ tin cậy cao để đánh giá sự phát triển DN theo ngành kinh tế, theo loại hình DN và theo địa phương; từ đó giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển bền vững và hiệu quả DN trên phạm vi cả nước và từng địa phương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý: “Rất tiếc, Tổng cục Thống kê chưa phân tích được 14,7 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân số trong độ tuổi lao động thì hiện nay Việt Nam đứng ở vị trí bao nhiêu trên trường quốc tế và khu vực? Và chúng ta phải tiếp tục phấn đấu cho chỉ số này như thế nào? Phải phân ra ra mới thấy trách nhiệm từng cấp ngành và địa phương”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.