“Đừng để doanh nghiệp phải dồn sức chiến đấu với các điều kiện kinh doanh”

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 20/11/2018 17:24 PM (GMT+7)
Nhắc tới vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bộ máy quản lý phía trên phải tiếp tục nóng lên. Phải tạo điều kiện để doanh nghiệp dùng nguồn lực nhằm tồn tại trên thương trường chứ đừng để họ lo chiến đấu với điều kiện kinh doanh.
Bình luận 0

img

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế (VCCI). (Ảnh: I.T)

Kiểm tra không thể dựa trên ý thức của cán bộ thừa hành

Sáng 20.11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp.

Về vấn đề thanh tra, kiểm tra, theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế (VCCI), Nghị Quyết 35, chỉ thị 20 của Chính phủ yêu cầu giảm tình trạng thanh tra, kiểm tra, đặc biệt thanh - kiểm tra trùng lặp. Qua điều tra, tỷ lệ doanh nghiệp phải chịu 2 lần thanh - kiểm tra giảm gần 10%. Đây là tín hiệu tích cực, song các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng hơn thế.

“Các doanh nghiệp vẫn phàn nàn là nhiều cơ quan, Bộ, ngành cùng thanh kiểm tra gây nên sự chồng chéo. Họ kỳ vọng hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được công bố công khai, thực hiện thanh tra và kiểm tra trên các tiêu chí rủi ro, không thể dựa trên ý thức của cán bộ thừa hành. Phải có phần mềm, thông tin để lựa chọn thanh tra những doanh nghiệp có tỷ lệ rủi ro vi phạm pháp luật cao. Hoặc những ngành hàng, địa bàn có rủi ro cao”, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.

img

Đánh giá chuyển biến về thục hành chính trong một số lĩnh vực khi thực hiện Nghị quyết 19

Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, hầu hết các bộ ngành đều có cắt giảm vượt mức Chính phủ yêu cầu. Song theo điều tra của VCCI, tới 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Và 42% doanh nghiệp gặp khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, vẫn có những cải cách tốt như Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm đã thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thay vì phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp có thể tự công bố an toàn thực phẩm. Còn Nhà nước sẽ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm với trường hợp công bố không chính xác. Ước tính điều này đã giúp tiết kiệm 90% chi phí hành chính, 10 triệu ngày công và 3.700 tỉ đồng mỗi năm.

Một cửa nhưng rất nhiều ngách

Về phía các chuyên gia kinh tế, dù đánh rất cao Nghị quyết 35 khi chỉ rõ 10 nguyên tắc cơ bản về quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, cho rằng đó là những nguyên tắc hết sức căn cơ. Trước hết, những người làm trong bộ máy Nhà nước phải xác định lại vai trò của mình trong kinh tế thị trường.

Song chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn nhìn nhận về tình trạng trên nóng dưới lạnh, bà Lan nói: “Thật lạ lùng. Một bộ máy được sắp đặt từ trên xuống dưới, mà ở dưới cứ lạnh ngắt trong khi ở trên đang thúc giục. Mà ở trên lại không làm gì được bộ máy bên dưới. Chúng ta đã đưa ra Nghị quyết, những nơi nào không làm được phải có chế tài xử phạt, thải ra khỏi bộ máy. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nóng hơn, chia sẻ với VCCI, đưa ra khuyến nghị chung về các vấn đề”.

Theo bà Phạm Chi Lan, việc cần làm ngay là cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để không chỉ cạnh tranh trong ASEAN. Hiện nay, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) ở một số lĩnh vực đã được cải thiện thực chất, nhưng số này không nhiều. Bộ máy vẫn không có động lực để cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Trong khi đó, việc cải cách hành chính là cho chính cơ quan Nhà nước chứ không phải chỉ cho doanh nghiệp.

"Một cửa nhưng rất nhiều ngách, không qua ngách đó thì không thể qua được cửa cuối cùng. Vậy nên, vẫn phải chạy rất nhiều chỗ khác nhau. Nếu không liên thông được bộ máy thì bộ máy của chúng ta tiếp tục là bộ máy phân mảnh. Từ phân mảnh đẻ ra thương mại hoá, lạm dụng quyền lực của mình tạo ra lợi ích riêng ở nơi này nơi khác”, bà Phạm Chi Lan nhận xét.

img

Bà Phạm Chi Lan phát biểu tại hội thảo 

Nhắc lại điển hình của cải cách tốt là Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, bà Phạm Chi Lan phân tích: “Chúng ta làm được một số việc, nhưng với chi phí quá cao về tiền bạc, thời gian, sức lực con người. Nghị định 15 giúp DN tiết kiệm 3.700 tỷ đồng/năm. Đó là đối với riêng nhóm thực phẩm và chỉ 1 Nghị định, nếu nhân 3.700 tỷ đồng với 15 Nghị định xóa bỏ điều kiện kinh doanh sẽ thấy con số này lớn thế nào. Nhưng 3.700 tỷ này đã mất trong 5 năm liền trước khi bỏ được điều kiện kinh doanh.

Chi phí xã hội bỏ ra quá lớn để đạt được một bước cải cách, tiết kiệm được 3.700 tỷ đồng/năm. Đó là tiền, còn sự tốn kém về con người trong các cơ quan làm việc với nhau, giữa các doanh nghiệp. Họ phải đấu tranh quyết liệt để đạt được bước cải cách thì còn tốn kém biết bao nhiêu nữa?

Nguồn lực đó, đáng lẽ doanh nghiệp dùng để cải thiện năng lực cạnh tranh, tồn tại trên thương trường chứ đừng để lo chiến đấu với điều kiện kinh doanh như thế này nữa”.

img

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Còn TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, kết quả thực chất của quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh không đạt như mong đợi.

“Quá trình cắt bỏ giấy phép, thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian, rất khó khăn và gian khổ nhưng quá trình phục hồi lại rất nhanh. Hôm nay cắt bỏ thủ tục, điều kiện vì gặp áp lực, ngày mai không gặp áp lực nữa thì khôi phục lại. Và mức độ cài cắm sau mỗi lần phục hồi lại tinh vi hơn, nhiều hơn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, phải có cơ quan thuộc Chính phủ đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định ban hành hay không ban hành văn bản. Cơ quan này không thuộc quản lý Nhà nước, không có doanh nghiệp sau lưng, không thực hiện cấp phép mà chỉ rà soát, đánh giá chất lượng các văn bản và phải quy tụ những người có chuyên môn thực sự độc lập.

Ngoài tính độc lập, cần phải có các nguồn lực bên ngoài là các công ty tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp tham vấn thẩm định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem