107 học giả Nobel phản đối việc chống cây biến đổi gen

Đào Thu Thứ hai, ngày 04/07/2016 06:19 AM (GMT+7)
Hơn 100 học giả đoạt giải Nobel đã cùng ký bức thư ngỏ kêu gọi Tổ chức Greenpeace (Hoà bình xanh) thay đổi quan điểm phản đối thực phẩm biến đổi gen (BĐG).
Bình luận 0

Theo thư ngỏ, Greenpeace cần ngừng chiến dịch ngăn chặn sự phát triển của một chủng lúa BĐG mới - mà theo những người ủng hộ, có thể kháng lại sự thiếu hụt vitamin A và hạn chế khả năng gây mù loà hoặc tử vong ở trẻ em thuộc các quốc gia đang phát triển.

Cố tình làm chệch hướng?

Bức thư có viết: “Chúng tôi kêu gọi Greenpeace nhanh chóng tái đánh giá những trải nghiệm của nông dân và người tiêu dùng trên toàn thế giới về những cây trồng, thực phẩm được cải tiến bởi công nghệ sinh học, công nhận những phát hiện nghiên cứu của các tổ chức khoa học có thẩm quyền và cơ quan chức năng, và ngừng chiến dịch chống lại cây trồng BĐG (GMO) nói chung và giống lúa/gạo Vàng (Golden rice) nói riêng”.

img

 Gạo vàng được cho là có tác dụng chống thiếu hụt vitamin A co trẻ em. ảnh: I.T

Chiến dịch phản đối quan điểm của Greenpeace được khởi xướng bởi Richard Roberts - Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu New England Biolabs, và Phillip Sharp - chủ nhân giải Nobel Sinh lý học và Y khoa cho công trình khám phá ra chuỗi gen intron. Ngày 30.6 vừa qua, nhóm các nhà khoa học ủng hộ chiến dịch này đã tổ chức buổi họp báo ở thủ đô Washington (Mỹ). “Chúng tôi là những nhà khoa học. Chúng tôi hiểu tính logic của khoa học. Không khó để nhận ra những gì Greenpeace đang làm là phản khoa học và gây ảnh hưởng tiêu cực” – báo The Washington Post dẫn lời ông Roberts. “Ngay từ đầu, Greenpeace và những phe ủng hộ họ đã cố tình đi chệch hướng nhằm hù doạ dư luận”.

Số người ủng hộ ngày càng tăng

Phía Greenpeace đến nay vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức cho bức thư ngỏ này. Mặc dù không phải tổ chức duy nhất phản đối cây trồng BĐG nhưng Greenpeace, với độ phủ sóng rộng khắp toàn cầu, tạo nên tầm ảnh hưởng lớn mạnh nhất trong chiến dịch ngăn cấm giống lúa/gạo Vàng.

 Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) ước tính khoảng 250 triệu người trên thế giới thiếu hụt vitamin A, với 40% trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi ở những nước đang phát triển. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở trẻ em, với số lượng trường hợp lên đến 250.000 – 500.000 mỗi năm. Một nửa trong số đó qua đời chỉ sau khoảng 12 tháng mất thị lực.

Danh sách chữ ký trong thư giờ đã đạt số lượng 107, trong khi theo ước tính của ông Roberts, trên thế giới chỉ còn lại khoảng 296 người đoạt giải Nobel hiện còn sống. Nhà sinh học tế bào Randy Schekman của Đại học California (Giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2013) chia sẻ với truyền thông báo giới: “Thật ngạc nhiên khi có những tổ chức thông thường rất ủng hộ khoa học khi nói về vấn đề biến đổi khí hậu hay tiêm chủng phòng ngừa bệnh tật cho con người, vậy mà giờ với tương lai hệ trọng của nền nông nghiệp thế giới, họ lại kịch liệt phản đối quan điểm đã được thống nhất giữa các nhà khoa học”.

Trở lại với bức thư: “Các tổ chức khoa học và cơ quan chức năng trên thế giới liên tục khẳng định chắc chắn sự an toàn của cây trồng và thực phẩm có sự can thiệp của công nghệ sinh học, nếu không muốn nói là an toàn hơn bất cứ phương pháp nuôi trồng nào khác. Đến nay, chưa có bất kỳ trường hợp được xác thực nào xác minh những hệ quả xấu cho sức khoẻ từ việc tiêu thụ sản phẩm BĐG của người và động vật. Cả vấn đề môi trường, cây trồng BĐG cũng được chứng minh rất ít gây ảnh hưởng tiêu cực, không những thế còn đóng góp lợi ích vào hệ sinh thái đa dạng toàn cầu”. “Greenpeace đã và đang không ngừng chĩa mũi dùi về phía lúa/gạo Vàng. Cần phải biết rằng, đây là giống lúa/gạo có khả năng giảm thiểu nguy cơ mù loà hoặc tử vong gây ra bởi sự thiếu hụt vitamin A, tình trạng rất thường được thấy ở những người dân nghèo ở châu Phi và Đông Nam Á”.

Làn sóng phản đối GMO còn tập trung chủ yếu vào những tác động lên kinh tế và xã hội của những loại cây trồng biến đổi BĐG trong phòng thí nghiệm này. Greenpeace đưa ra lời cảnh báo các tập đoàn lớn trong ngành cung cấp lương thực, rằng người nông dân sẽ phải hứng chịu hậu quả. Gần đây, một phát ngôn viên đã công bố với truyền thông ấn phẩm của tổ chức mang tựa đề “20 năm thất bại: Vì sao cây trồng BĐG không thể giữ đúng lời hứa của mình”.

Cuộc tranh cãi không hồi kết giữa các nhà khoa học chính thống và những nhà hoạt động môi trường này không phải là điều gì đó mới lạ, vậy nên có rất ít lý do để tin rằng bức tâm thư với cả trăm chữ ký của các học giả chiến thắng giải Nobel này sẽ có thể thuyết phục và thay đổi quan điểm của những người phản đối GMO.

Dẫu vậy thì GS Martin Chalfie từ Đại học Columbia cho rằng: “Có gì đặc biệt ở những người từng giành giải Nobel? Tôi không chắc mình có điểm gì hơn những nhà khoa học khác cũng đang ngày đêm nghiên cứu về vấn đề này nhưng chúng tôi, với khả năng chuyên môn đã được chứng minh, công nhận bằng giải thưởng danh giá đó, có lẽ sẽ có được tầm nhìn rộng rãi, đa chiều và đúng đắn hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem