Cây trồng biến đổi gen tác hại với sâu, lợi với vật nuôi

Hải Hà (ghi) Thứ sáu, ngày 06/03/2015 06:47 AM (GMT+7)
NTNN xin trích một số câu hỏi thường gặp của bà con nông dân về cây trồng biến đổi gen (BĐG) và những giải đáp của nhà khoa học với loại cây trồng này.
Bình luận 0

Gần đây, chúng tôi có nghe đã có giống ngô “BĐG”. Lúc đầu, tôi nghe cứ tưởng đây là giống ngô thoái hóa nên mới bị “biến đổi”. Song qua theo dõi trên TV và báo chí được biết, đây là giống ngô cho năng suất rất cao. Vậy xin hỏi, vì sao lại gọi là giống ngô “BĐG”?.

img

Cây ngô biến đổi gen đã mang lại giá trị và năng suất rất lớn cho người dân Philippines. Ảnh: Thu Đào
- PGS-TS Phạm Văn Toản- chuyên gia về cây trồng BĐG của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Cây trồng BĐG là giống cây trồng mới, có đưa gen quy định một số đặc tính nông sinh học theo mong muốn của con người. Để dễ hiểu nên dùng một khái niệm là ngô sinh học, hay cây trồng sinh học, dễ hiểu hơn là chúng ta dùng kỹ thuật sinh học để tạo ra loại cây này.

Xem trên TV, báo chí, có biết đến giống ngô BĐG với nhiều ưu điểm, nhưng do mới nên nếu không có đầy đủ thông tin, khi đưa vào trồng chắc chắn người dân sẽ còn e dè. Bà con nông dân chúng tôi muốn biết rõ hơn điều này?

- PGS-TS Phạm Văn Toản: Như trên tôi đã nói, cây ngô BĐG có đặc điểm mới, trên thế giới đã tạo ra một số ngô BĐG, ngô kháng sâu. Ngô bình thường sâu đục thân, đục bắp làm ngô ngã đổ, bắp bị hỏng. Giống ngô mới sinh ra gen có protein sâu ăn vào sẽ bị chết, giảm thiểu thiệt hại do sâu gây ra. Còn có ngô chống chịu thuốc diệt cỏ, cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng qua đó làm giảm năng suất của cây trồng.

Hiện tại các nhà khoa học đang có một số công trình nghiên cứu đưa ra một số cây trồng mới có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với cây trồng bình thường (vitamin, tinh bột…) hoặc có khả năng bảo quản lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số loại cây trồng BĐG khác đang được nghiên cứu như chống chịu hạn, chịu mặn, chịu ngập, chịu phèn… Đến năm 2015 cây ngô chống chịu hạn sẽ được đưa vào trồng trong thời gian tới.

GS-NGND Nguyễn Lân Dũng: Như PGS-TS Toản đã nói, cách gọi cây trồng BĐG có thể dẫn đến hiểu nhầm. Thực tế trong thiên nhiên vẫn xảy ra những sự kiện BĐG nhằm mục đích có lợi cho tiến hóa, nhưng sự biến đổi trong thiên nhiên rất chậm, diễn ra trong hàng trăm hàng nghìn năm hoặc lâu hơn nữa. Còn BĐG mà chúng ta đang nói chỉ hoàn thành trong vài năm do có sự chủ động của con người nhằm mục đích có lợi cho con người. BĐG là chuyện bình thường, nhưng nông dân mới nghe thấy BĐG thì sợ. Từ “BĐG” không phải do chúng ta nghĩ ra mà do thế giới đặt tên.

Hiện nay các nhà khoa học đề nghị gọi là cây trồng công nghệ sinh học. Vì sao gọi là cây trồng công nghệ sinh học, là do giống cây trồng được chuyển gen trừ sâu của vi khuẩn Bacilus thuringiensic (Bt). Đây là gen tuyệt đối an toàn với con người vì tinh thể chứa độc tố chỉ vỡ ra ở môi trường pH kiềm mà đường tiêu hóa của người, gia súc gia cầm có tiêu hóa chất axit. Khi đưa vào cây ngô, nếu sâu cắn vào lá ngô, coi như sâu "tự tử" bởi vì mang gen tạo ra độc tố làm sâu chết, tuy nhiên vẫn tuyệt đối an toàn với người và gia súc gia cầm.

Cây trồng BĐG có khả năng kháng được sâu bệnh là do giống cây này có một chất độc tiết ra để sâu ăn vào đứt ruột mà tự chết. Vậy, nếu sau này khi con người sử dụng sản phẩm từ giống cây đó, có bị “đứt ruột” như sâu không?

- GS Nguyễn Lân Dũng: Hiện nay người ta dùng vi khuẩn Bt này để làm thuốc trừ sâu sinh học, mà thuốc sinh học khác hẳn thuốc trừ sâu hóa học vì nó rất an toàn. Còn với gen của vi khuẩn Bt, đã có nhiều sinh viên Mỹ tình nguyện làm thí nghiệm nuốt thử vi khuẩn này và cho thấy nó không thể phá vỡ tinh thể trong đường tiêu hóa. Do đó, người ta đã nghiên cứu rất kỹ mới quyết định dùng gen tạo ra tinh thể chứa độc tố chỉ có tác hại với sâu mà không có tác hại với người, gia súc, gia cầm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem