110 cán bộ điêu đứng vì chủ tịch huyện làm sai

Thứ tư, ngày 28/07/2010 05:58 AM (GMT+7)
(Dân việt) - 110 cán bộ trạm y tế xã, phường của các huyện trong tỉnh Thanh Hoá làm việc đã hơn 1 năm nay nhưng chưa được trả lương. Hiện tại, họ đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp và trắng tay.
Bình luận 0
img
Chị Phạm Thị Hoan - cán bộ y tế xã Định Bình, Yên Định (ngồi giữa) trình bày sự việc với phóng viên.

Tuyển lao động sai quy định

Chị Phạm Thị Hoan (là y sĩ y học cổ truyền) ở xã Định Bình, huyện Yên Định được ông Nguyễn Đăng Lành - Chủ tịch UBND huyện ký hợp đồng tuyển dụng lao động vào làm việc tại Trạm Y tế xã Định Bình từ tháng 5-2008, được hưởng mức lương 540.000 đồng/tháng.

Đến ngày 28-11-2008, ông Lành lại tiếp tục ký quyết định xếp lương cho chị Hoan hưởng theo mức lương bậc I, hệ số 1,86, mã ngạch 16119; được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Thời gian hưởng lương mới từ ngày 1-12-2008.

Sau đó, chị Hoan đã nhận được lương tháng 12-2008. Tuy nhiên, suốt từ tháng 1 đến tháng 7-2009, chị Hoan không được nhận lương. Đến tháng 8-2009, chị Hoan nhận được hơn 7,5 triệu đồng (6 tháng lương, đã trừ các khoản đóng bảo hiểm…). Và rồi, kể từ tháng 7-2009 đến nay, chị Hoan không được nhận bất kể một đồng lương hay phụ cấp nào.

Cũng như chị Hoan, tại huyện Yên Định hiện nay có tới 47 người đang rơi vào tình cảnh không có lương. Ngoài ra, tại các huyện Thiệu Hóa có 4 người, Thạch Thành (8 người), Tĩnh Gia (17 người), Hoằng Hóa (6 người), thị xã Bỉm Sơn (11 người) và Nga Sơn (4 người) đang có nguy cơ thất nghiệp và trắng tay. Tất cả là do Chủ tịch UBND huyện ký hợp đồng tuyển dụng họ vào làm việc tại các Trạm Y tế xã, phường sai quy định của nhà nước.

Ông Hoàng Hải Bằng - Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: "Tổng số 110 cán bộ y tế xã tăng so với biên chế UBND tỉnh giao năm 2006 đều do UBND huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng sau khi tiếp nhận các Trạm Y tế xã từ ngành y tế năm 2006”.

Ông Bằng kết luận: “Như vậy, UBND các huyện, thị xã tự bố trí tăng cán bộ y tế xã khi chưa có quyết định bổ sung chỉ tiêu của Chủ tịch UBND tỉnh là sai quy định, quy trình tuyển dụng chưa đúng quy định hiện hành".

110 cán bộ y tế đi về đâu?

Ngày 21-5-2010, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá có công văn chỉ đạo liên Sở và UBND các huyện như sau: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đồng ý cho tuyển dụng đối với 16 trường hợp cán bộ y tế xã, trong đó có 13 trường hợp có trình độ chuyên môn phù hợp với các quy định hiện hành để thay thế số cán bộ đã nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội.

Các trường hợp còn lại (97 người), Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có liên quan phải chịu trách nhiệm giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, tỉnh đã đá trả “quả bóng” về sân các huyện. Còn UBND các huyện thì lúng túng: Giữ người lao động thì không có tiền trả lương; đẩy họ ra đường thì... trái pháp luật và đạo lý.

Trả lời phóng viên NTNN, ông Nguyễn Đăng Lành - Chủ tịch UBND huyện Yên Định thẳng thắn: "Tôi sắp nghỉ việc rồi, vấn đề chế độ lương cho 47 cán bộ y tế xã của địa phương thì hiện nay tỉnh đang chỉ đạo huyện giải quyết. Các anh gặp chuyên viên phòng Nội vụ, họ sẽ cung cấp đầy đủ văn bản trả lời".

Theo Tờ trình của liên Sở Y tế, Nội vụ Tài chính lên UBND tỉnh Thanh Hoá việc giải quyết chế độ tiền lương cho những cán bộ y tế xã từ tháng 1-2009 đến thời điểm này theo khái toán khoảng 2 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Hoan - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Định tỏ rõ quan điểm: "Chúng tôi không thể có kinh phí để chi trả lương cho số cán bộ y tế xã thừa ra trong huyện. Nhưng, chúng tôi vẫn luôn động viên mọi người hãy cố gắng chờ đợi huyện và tỉnh giải quyết. Còn nếu ai không chờ được mà bỏ việc thì thôi".

Về phía UBND huyện Yên Định, ông Hoàng Trung Thịnh - chuyên viên Phòng Nội vụ cho biết: "Hướng giải quyết của UBND huyện là, hiện nay đang xây dựng kế hoạch bố trí những trường hợp (trong số 47 cán bộ y tế xã trên-PV) có bằng cấp chuyên môn, phù hợp thì chuyển về đảm nhiệm công việc y tế học đường tại các trường học đã đạt chuẩn quốc gia của huyện.

Bên cạnh đó, huyện sẽ rà soát lại số cán bộ dân số gia đình và trẻ em không đạt chuẩn rồi giải quyết nghỉ chế độ cho họ theo Công văn 4768 của Bộ Y tế. Sau đó, sẽ thay thế số cán bộ y tế xã nêu trên về phụ trách dân số gia đình và trẻ em tại trạm y tế xã. Nguồn kinh phí sẽ do UBND huyện trích ngân sách sự nghiệp y tế hàng năm ra trả lương cho số cán bộ trên.

Đó mới là “tương lai” của một số cán bộ y tế mới tuyển ở Yên Định, còn hàng chục người ở các huyện khác thì sao?

Dư luận cho rằng, dù giải quyết kiểu gì đi chăng nữa, thì người gánh hậu quả vẫn là những cán bộ y tá xã đã được các Chủ tịch huyện ký hợp đồng tuyển dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem