Ninh Bình: Những cách làm hay giúp 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới
117/119 xã ở tỉnh Ninh Bình làm cách gì mà đạt chuẩn nông thôn mới
Vũ Thượng
Thứ tư, ngày 23/03/2022 18:46 PM (GMT+7)
Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 98,3%), 17/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh Ninh Bình phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024 nhờ rất nhiều cách làm hay.
Ninh Bình xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp
Từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2011, tỉnh Ninh Bình có xuất phát điểm tương đối thấp. Cụ thể, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,8 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo khi ấy còn cao…
Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình có địa hình khá phức tạp (có miền núi, đồng bằng và bãi ngang ven biển), cơ sở hạ tầng phân bố rộng. Khó khăn hơn hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, môi trường, chưa đồng bộ...cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng NTM
Việc xây dựng NTM ở Ninh Bình cũng được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban chỉ đạo, các bộ, ngành, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương. Đồng thời, sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra, Ninh Bình có những bước đi, cơ chế chính sách phù hợp, cách làm sáng tạo; có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức và đông đảo nhân dân.
Từ các thuận lợi đó, đến nay toàn tỉnh Ninh Bình đã có 117/119 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 98,3%), 17/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đặc biệt, 4/6 huyện của tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn NTM như: Huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn, Yên Mô; và 1/2 thành phố (thành phố Tam Điệp) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Riêng huyện Nho Quan và thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thẩm định chờ Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành NTM.
Có thể nói, Ninh Bình còn lưu giữ được nhiều nét truyền thống của vùng nông thôn Bắc Bộ. Nhân dân Ninh Bình có truyền thống anh dũng trong đấu tranh, cần cù trong lao động và tích cực tham gia xây dựng NTM.
Tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Bình đang trong thời kỳ tăng trưởng tương đối cao và ổn định tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân đạt trên 8%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, ngành công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng nhanh thu nhập cho khu vực nông thôn nhằm tạo tiền đề để thực hiện xây dựng NTM đạt kết quả tốt.
Nhờ cách làm sáng tạo của Ninh Bình trong xây dựng NTM
Tỉnh Ninh Bình xác định xây dựng NTM là một quá trình, theo hướng đi lên không ngừng nghỉ, tuy nhiên không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, với vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và cán bộ chủ chốt là hết sức quan trọng, việc chú trọng kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp là một giải pháp quan trọng tạo nên thành công.
Nhưng thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết liệt sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Do đó, cần chú trọng xây dựng và đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở "cán bộ nào, phong trào đấy".
Coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để cả hệ thống chính trị cùng với người dân vào cuộc triển khai thực hiện xây dựng NTM.
Việc xây dựng, triển khai các mô hình điểm có vai trò rất quan trọng, giúp đúc kết, phát hiện cách làm hay, ý tưởng sáng tạo mới, làm cơ sở nhân rộng, tạo sự lan tỏa tới các địa bàn.
Nhưng cũng không xem nhẹ việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm và phê phán chạy theo thành tích. Đồng thời, làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời cổ vũ động viên phong trào xây dựng NTM.
Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn NTM đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp khi quyết định công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Lưu ý, những chỉ tiêu người dân chưa hài lòng, chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để đảm bảo xây dựng NTM bền vững.
Ông Lê Quang Lực-Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Ninh Bình cho biết: "Trong công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng NTM, phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể. Cũng như phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành, từng cán bộ tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM…".
"Việc ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, đủ mạnh, có tính linh hoạt và đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách để hỗ trợ chính quyền, nhân dân các địa phương. Trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước có hạn, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế như: Doanh nghiệp, tín dụng, đóng góp của nhân dân,...Đồng thời, mỗi địa phương chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phục vụ xây dựng NTM", ông Lê Quang Lực cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.