12 hộ dân sống cùng cái chết treo trên đầu

Thứ sáu, ngày 17/09/2010 08:35 AM (GMT+7)
(Dân Vịêt) - Sống dưới chân dãy núi đá vôi cao chót vót với những tảng đá khổng lồ có thể ập xuống bất cứ khi nào, cuộc sống của 12 hộ dân ở thôn Làng Ven, xã Minh Tiến (Lục Yên, Yên Bái) đang như đèn treo trước gió.
Bình luận 0

Cái chết treo trên đầu

Theo chỉ dẫn của chính quyền xã chúng tôi tìm đến 12 hộ dân có nguy cơ bị đá sập cao nhất trong thôn. Đó là những nóc nhà lá liêu xiêu nằm co cụm dưới vách đá dựng đứng. Đây là những hộ nằm trong tình trạng báo động đỏ về nguy cơ đá lở gây thiệt hại lớn về người và của.

img
Bà Nông Thị Sương bên cạnh hòn đá phá hủy toàn bộ tài sản nhà bà.

Tôi không khỏi rùng mình khi đưa mắt nhìn lên dãy núi phía sau, những vách đá dựng đứng, những tảng đá khổng lồ trơ trọi chỉ trực ập xuống san bằng nơi này. Cả 12 hộ dân nơi đây chen chúc nhau trong một khoảng đất nhỏ chạy men theo chân núi đá, chật chội và tù túng.

Đá lô nhô dưới sàn, trước sân, cạnh nhà. "Đấy các anh xem, năm nào đá cũng lăn xuống, giờ xung quanh nhà chúng tôi chỗ nào cũng có đá. Sống ở đây chẳng biết chết khi nào. Sợ lắm!" - chị Hà Thị Liên, một người dân trong thôn lo sợ nói. Trong những hộ nằm trong diện nguy hiểm do sạt lở đá thì gia đình chị Liên được coi là hộ nguy hiểm hơn cả.

Bởi theo chị và những người dân nơi đây, phía sau nhà chị là một mỏ đá can sít (một loại đá rất giá trị), nên trong một khoảng thời gian dài người dân đổ xô về đây đục khoét, moi móc lấy đá quý. Thấy quá nguy hiểm cho mạng sống của mình, những hộ dân nơi đây đã báo lên chính quyền xã để ngăn chặn và chính họ đã cương quyết xua đuổi và ngăn chặn được nạn đục khoét này.

Thế nhưng do mức độ đục khoét quá lớn, sau khi dân làm đá rút đi đã để lại rất nhiều hòn đá tảng hàng chục tấn bị mất chân, nằm kê lên nhau, chỉ cần một cơn mưa to, nước từ trên các vách đá đổ xuống, một hòn đá văng xuống thì sẽ có hàng chục tảng đá lớn nhỏ khác nhau cùng kéo xuống. Khi đó, hậu quả thế nào thì ai cũng rõ.

Đến bây giờ, người dân Làng Ven không thể nào quên được buổi trưa ngày 11 - 7 - 2002. Hôm ấy, một tiếng động vang trời khiến lũ trẻ con khóc thét, người già tim như ngừng đập. Tất cả hoảng hốt cùng hướng mắt về Làng Ven, bụi đá phủ trắng một vùng trời và chỉ còn nghe tiếng ầm ầm của đá.

Ngừng tiếng đá, Làng Ven lờ mờ hiện ra với một dải trắng xóa từ đỉnh núi xuống làng, những tiếng kêu khóc bắt đầu vang lên. Hàng trăm khối đá với những tảng hàng chục tấn đổ ập xuống, san bằng rừng măng, làm chết cụ Hà Thị Đích khi đang nhặt củi sau nhà và làm sập căn nhà ông Hứa Văn Phẩm.

"May mà tảng đá sập xuống góc dưới, nơi đó nhiều hộ đã chuyển đi, nếu mà đổ xuống thẳng những nhà này thì chết hết". Ông Hoàng Văn Quyền, một nhân chứng hoảng hồn nhớ lại.

Không chỉ có vậy điệp khúc "đá sập nát nhà" hàng năm xảy ra như cơm bữa. Tháng 12 -2009 một tảng đá từ trên núi lao xuống đánh sập căn nhà của bà Nông Thị Sương và phá hủy toàn bộ tài sản trong nhà.

Khẩn trương cứu dân

Chỉ tay vào tảng đá to như con voi nằm trên nền nhà cũ, bà Nông Thị Sương nhớ lại: "Tối đó vợ chồng tôi nằm gian trong, đang ngủ thì thấy tiếng ầm ầm lao thẳng từ trên núi xuống nhà. May mà tảng đá này bắn thẳng vào gian giữa, nên vợ chồng tôi thoát chết!".

Trước những hiểm nguy về tính mạng, chính quyền xã đã nhiều lần vận động những hộ dân này di dời đến nơi khác. Nhưng phía trước là hồ Thác Bà mênh mông, họ không biết đi về đâu. "Chết ai mà chẳng sợ, chuyển đến nơi an toàn chúng tôi muốn lắm chứ. Nhưng cả gia đình đã bám ở đây từ nhỏ rồi, miếng ăn chúng tôi dựa vào con tôm, con cá ngoài hồ. Không có đất, không có tiền giờ biết di về đâu?" - anh Hà Văn Đối lắc đầu ngao ngán.

Quá sợ hãi, đến nay, nhiều hộ dân trong làng đã chuyển ra ngoài đảo để sống, nhưng "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa". Nơi ở mới là một ốc đảo, không hàng xóm, không đường, không điện, không nước sạch… cuộc sống tăm tối không khác gì cái chết. Chuyển đến nơi ở mới thì phải đương đầu với nhiều "thiên tai" mới. Hàng năm, từ tháng 7 đến tháng 2, hồ Thác Bà dâng lên, những căn nhà này lại bị nhấn chìm trong nước với độ sâu hàng mét.

Ông Hoàng Ngọc Quyết - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết, hiện nay chính quyền các cấp ở địa phương đã có dự án quy hoạch khu Đồi Trẹo tại thôn Làng Ven, với diện tích hơn 2ha để di dời dân ở những nơi nguy hiểm ra sinh sống. Theo ông Quyết thì dự án trên trước mắt sẽ khẩn trương đưa các hộ dân trong vùng đặc biệt nguy hiểm ra sinh sống.

Hiện nay dự án quy hoạch Đồi Trẹo, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm đang được các cấp chính quyền địa phương tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, đang ở cao điểm mùa mưa lũ, sạt lở thì sự sợ hãi, lo lắng của người dân Làng Ven vẫn thường trực từng ngày…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem