1.2018, Bạc Liêu chính thức khởi công Khu NNCNC phát triển tôm

Nguyễn Lê Thứ tư, ngày 10/01/2018 12:15 PM (GMT+7)
Bạc Liêu là tỉnh đứng nhất nhì cả nước về diện tích, sản lượng tôm. Tỉnh đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) phát triển tôm Bạc Liêu và nhiều doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động tại khu này.
Bình luận 0

Hạn chế rủi ro khi nuôi tôm CNC

Theo ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, năm 2017 là năm phát triển vượt bậc của ngành tôm Bạc Liêu. “Ngoài các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, hơn 100 mô hình nông hộ và HTX đang nuôi tôm trong năm 2017 đã ứng dụng CNC và đạt kết quả rất khả quan” – ông Trung cho hay.

Điển hình như hộ anh Võ Thanh Phong, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình có 12ha nuôi tôm. Anh bố trí làm 4 ao nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng CNC và 3 ao tôm nuôi vèo. Diện tích mỗi ao nuôi tôm thẻ là 1.600m2, số lượng giống thả nuôi hơn 1,1 triệu con. Anh Phong ương tôm giống trong ao vèo là 30 ngày và thả nuôi trong ao chính hơn 2 tháng. Sau khi thu hoạch, tổng thu hơn 4,6 tỷ đồng, trừ chi phí anh lãi hơn 2,3 tỷ đồng.

img

 Nuôi tôm công nghệ cao hạn chế được rủi ro do dịch bệnh. ảnh: M.H

Anh Phong cho biết: “Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng CNC rất hiệu quả. Để cải tạo ao đầm và mua sắm máy móc áp dụng quy trình nuôi CNC cần số vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Quy trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng CNC khá nghiêm ngặt. Phải kỹ lưỡng từ khâu chọn con giống, nuôi vèo, thả tôm nuôi ở ao chính đến kỹ thuật chăm sóc tôm. Tôi áp dụng mô hình này 2 năm nay và cho hiệu quả kinh tế rất cao”. Anh Phong đã có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi tôm theo mô hình trên, cũng như sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi với bà con có nhu cầu.

Ở xã Điền Hải (huyện Đông Hải), anh Hùng Linh cũng áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng CNC. Tổng diện tích nuôi thẻ siêu thâm canh của anh Linh là 7.000m2, trong đó ao ương tôm 120m2, ao nuôi 1.100m2; còn lại là ao lắng, ao xử lý… Sau 78 ngày nuôi, anh Linh thu tỉa 1,6 tấn tôm, lãi 260 triệu đồng. Với giá tôm hiện nay, anh có thể lãi 600 - 700 triệu đồng.

Đưa khu CNC vào hoạt động

Từ nay đến năm 2020, bên cạnh việc quy hoạch hơn 418ha tại Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, tỉnh còn quy hoạch lại nhiều tiểu vùng sản xuất tôm khác nhau gắn với đầu tư hạ tầng sản xuất đồng bộ. Đặc biệt, sẽ phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi tôm sinh thái nhằm tạo sản phẩm sạch (như mô hình tôm - rừng). 
Ông Dương Thành Trung- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu
 

Theo ông Trung, ưu điểm của mô hình này là kiểm soát được thời tiết, không còn lệ thuộc vào thiên tai bất lợi; kiểm soát được mầm bệnh, nguồn nước, làm chủ khoa học kỹ thuật… So với cách sản xuất truyền thống, việc ứng dụng mô hình này vào sản xuất, tuy chi phí đầu tư khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không nhỏ, nhất là lợi nhuận.

“Điều mà nhà nông vui mừng hơn là việc ứng dụng các mô hình này vào sản xuất cho tỷ lệ thành công cao, ít rủi ro.Hiện đã có 7 doanh nghiệp ứng dụng CNC đầu tư 800ha đất nuôi tôm. Dự kiến, trong tháng 1.2018, Bạc Liêu sẽ khởi công khu CNC về tôm, hiện đã có 20 doanh nghiệp đăng ký vào khu công nghệ này. Nhưng chúng tôi cũng rất thận trọng và chỉ sẽ cấp 50 doanh nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững. Các doanh nghiệp đầu tư tại khu nông nghiệp ứng dụng CNC, với trình độ công nghệ cao, khả năng vốn lớn, quản lý tốt, sản xuất khép kín sẽ cho ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu. Theo tính toán khi đưa vào hoạt động, các doanh nghiệp trong khu sẽ tạo ra giá trị sản xuất từ 5.000 – 6.000 tỷ đồng/năm, là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả, nhân ra diện rộng trong và ngoài tỉnh” – ông Trung cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Trung, để nhân rộng được những mô hình nuôi tôm CNC, cần giải quyết nhiều khó khăn như hệ thống cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi bị bồi lắng rất nhanh, kiểm soát mặn ngọt. Tập trung nguồn lực như điện cho vùng nuôi tôm, không để vùng này bị thiếu điện.

“Đặc biệt là nguồn vốn. Đây là khó khăn lớn nhất của các nông hộ. Hầu hết sổ đỏ bà con đã thế chấp cho ngân hàng. Những nông hộ đủ điều kiện để vay vốn rất khó. Cần có cơ chế đặc thù để nông hộ không có điều kiện thế chấp ngân hàng có vốn để phát triển sản xuất. Thực tế, chỉ cần 500 – 600 triệu là có thể phát triển mô hình nuôi tôm CNC. Và mô hình này có khả năng thành công rất cao, có thể hoàn vốn nhanh” – ông Trung chia sẻ. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem