13 ngôi mộ liệt sĩ hoá “mộ gió” ở Bắc Kạn: Nỗ lực truy tìm sự thật

Chiến Hoàng Thứ tư, ngày 04/12/2019 20:06 PM (GMT+7)
Hài cốt 13 liệt sĩ của đơn vị Thanh niên xung phong C933 được quy tập lần đầu khi nào, đơn vị nào thực hiện quy tập, đến nay vẫn chưa xác định được.
Bình luận 0

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khai quật 13 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong đêm vỡ đập thủy lợi hồ Tân Minh (9/8/1968) theo đề nghị của thân nhân các liệt sĩ với mục đích giám định ADN để xác định danh tính. Tuy nhiên, sau khi khai quật, những ngôi mộ không hề có tiểu, sành, chỉ có đất và đá cục được đựng trong các túi nilon khiến các thân nhân liệt sĩ ngỡ ngàng.

Trước sự việc trên, sáng 4/12, đoàn công tác do ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn làm trưởng đoàn đã có mặt, gặp gỡ những nhân chứng nhằm thu thập thêm các thông tin liên quan.

img

Ông Tống Văn Minh, nguyên Phó Chỉ huy công trường thi công công trình hồ thủy lợi Tân Minh kể lại sự việc đêm 9/8/1968 với ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tại hồ Tân Minh.

img

Vượt dốc tìm nhân chứng về việc quy tập mộ 12 thanh niên xung phong tại đồi Nà Coóc năm nào.

Ông Tống Văn Minh, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thanh Vận, Phó Chỉ huy trưởng Công trường thi công công trình hồ thủy lợi Tân Minh đã dẫn đoàn vào khu vực hồ, thuật lại sự việc rồi dẫn sang khu vực Nhà cải tiến, nơi tổ chức truy điệu các liệt sĩ trước khi đem chôn cất tại Pù Nà Coóc (thôn Quan Làng, xã Thanh Vận).

Việc tìm kiếm nhân chứng liên quan đến nơi chôn cất, thời điểm quy tập, đơn vị nào đã quy tập, đưa hài cốt liệt sĩ từ đồi Nà Coóc về Nghĩa trang Phủ Thông cũ gặp rất nhiều khó khăn do các nhân chứng chỉ nghe kể lại chứ không trực tiếp được tham gia.

Theo một số thông tin trong quá trình thực địa mà đoàn công tác có được, thời gian quy tập không có sự thống nhất, có người nói năm 1974, có người nói năm 1978. Tuy nhiên, ông Tống Văn Minh khẳng định, thời gian đó ông đang là Ủy viên HĐND xã nhưng không biết gì. Họ thực hiện quy tập khi nào không hề thông qua xã, bản thân các thân nhân liệt sĩ cũng không được thông báo về việc này.

Ông Lèng Văn Chưởng, chủ khu đất chôn cất các thanh niên xung phong tại Nà Coóc ngày đó, khẳng định: "Việc quy tập mang hài cốt các liệt sĩ lên nghĩa trang huyện gia đình tôi không biết, chỉ nhớ loáng thoáng khoảng năm 1978. Hiện tại các hố vẫn còn nhưng rất nông, tôi đã đào và trồng thử vài loại cây xuống đó nhưng đều không sống được".

img

Anh Tạ Viết Đoạt, cháu liệt sĩ Đoàn Thị Nga khẳng định: "Mộ trên nghĩa trang vừa rồi khai quật không phải của dì tôi, vì dì tôi đã được gia đình mang về an táng tại địa phương từ năm 1973".

Anh Tạ Viết Đoạt, cháu trai liệt sĩ Đoàn Thị Nga khẳng định: "Mộ trên nghĩa trang vừa rồi khai quật không phải của dì tôi, vì dì tôi đã được gia đình mang về an táng tại địa phương từ năm 1973. Dì tôi do chính tay ông tôi chôn cất nên nhớ rất rõ. Sau khi chôn cất, hương khói đủ 5 năm, ông tôi mới quyết định mang dì về gần nhà".

img

Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn họp liên quan đến việc xác minh 13 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong đêm 9/8/1968 khi xảy ra vỡ đập hồ Tân Minh.

Chiều 4/12, tại UBND tỉnh Bắc Kạn, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Kạn (Sở LĐTBXH) đã có cuộc họp thông tin sơ bộ về vụ việc 13 ngôi mộ liệt sĩ được khai quật. Tại cuộc họp này, ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, những gì đang có chỉ là những thông tin thu thập được chứ không phải có trên hồ sơ chính thức.

Về lịch sử, 13 liệt sĩ này hy sinh đêm 9/8/1968 khi vỡ đập hồ Tân Minh và được chôn tại đồi Nà Coóc, sau được quy tập lần một vào nghĩa trang Phủ Thông cũ (vào khoảng trước những năm 1980). Năm 1990, khi nghĩa trang được nâng cấp, các mộ tại đây được quy tập sang nghĩa trang liệt sĩ mới. Trên sơ đồ nghĩa trang Phủ Thông mới được tỉnh Bắc Thái lập có ghi khu mộ của 13 liệt sĩ hy sinh tại hồ Tân Minh, sơ đồ này hiện vẫn đang lưu giữ tại Phòng LĐTBXH huyện Bạch Thông. 13 mẫu phẩm lấy tại 13 mộ phần ở nghĩa trang liệt sĩ vừa rồi không thể xét nghiệm được do không nguyên vẹn, chỉ có đất đá.

img

Ông Vũ Tiến Trì, Hội Cựu Chiến binh tỉnh Bắc Kạn cho rằng, giải quyết những vấn đề này là giải quyết các vấn đề của tỉnh Bắc Thái trước đây, để làm được điều này rất khó vì tính đến nay đã 51 năm.

Ông Vũ Tiến Trì, đại diện Hội Cựu Chiến binh tỉnh Bắc Kạn cho rằng, giải quyết những vấn đề này là giải quyết các vấn đề của tỉnh Bắc Thái trước đây, để làm được điều này là rất khó vì tính đến nay đã 51 năm.

Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn, thiếu tá Phùng Đức Giang cho rằng, việc khai quật chỉ thấy đất đá trong các túi nilon tại 13 ngôi mộ các liệt sĩ sẽ khiến dư luận đặt vấn đề, cần tổ chức kiểm tra và khai quật lại vị trí khai quật ban đầu, phải bàn cách để có sự đồng thuận của những người dân đang sinh sống tại Nghĩa trang Phủ Thông cũ.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, sau khi nghe báo cáo tỉnh đã tổng hợp ý kiến, đề xuất giải pháp. Ông Hưng đề nghị Sở LĐTBXH tham mưu lập tổ công tác thực hiện tìm kiếm thêm nhân chứng còn sống, đã từng thực hiện những nhiệm vụ trong các khâu, cần huy động thêm các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu thanh niên xung phong và nhất là Phòng LĐTBXH Bạch Thông.

"Chúng ta xác định hồ sơ ấy ở đâu, tìm kiếm trong lưu trữ của tỉnh hoặc huyện, tổ chức bố trí thời gian, con người xuống tỉnh Thái Nguyên để vào kho lưu trữ xem có thêm được tài liệu gì không. Cần tìm hồ sơ, nhân chứng trong lần chuyển thứ 2 từ nghĩa trang Phủ Thông cũ sang nghĩa trang Phủ Thông mới. Dù khó khăn chúng ta vẫn phải quyết tâm làm, làm đến có kết quả rõ nhất. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm với các liệt sĩ đã hy sinh", ông Hưng nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hưng cho biết, vừa qua tỉnh Bắc Kạn đã họp Ban Chỉ đạo Người có công trên địa bàn tỉnh để tìm giải pháp xác định cho chính xác, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quyết liệt vào cuộc xác định các phương hướng, thực hiện nhiệm vụ này sâu sát, quyết liệt đi tìm hồ sơ ở hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định: "Với trách nhiệm và sự tôn kính đối với các liệt sĩ, chúng tôi sẽ nỗ lực, quyết tâm làm rõ sự việc, xác định lại và cố gắng tìm kiếm hài cốt của các liệt sĩ hy sinh do vỡ đập thủy lợi hồ Tân Minh đêm 9/8/1968 đã bị thất lạc sau nhiều lần quy tập".

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem