13 yêu cầu dẫn độ đã được Việt Nam gửi ra nước ngoài năm 2023

Bách Thuận Thứ sáu, ngày 06/10/2023 09:09 AM (GMT+7)
Trong việc thực hiện yêu cầu về dẫn độ, số liệu của Bộ Công an cho thấy, năm 2023 Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2023.

Theo đó, báo cáo cho biết, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phối hợp chặt chẽ để triển khai toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm trên cả 4 lĩnh vực tương trợ tư pháp là dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Trong việc thực hiện uỷ thác tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, năm 2023, Việt Nam gửi nước ngoài 2.385 ủy thác tư pháp về dân sự, nhận 1.830 kết quả.

Phía nước ngoài gửi Việt Nam 1.033 ủy thác tư pháp và nhận 1.231 kết quả. So sánh với năm 2022, việc ủy thác tư pháp gửi nước ngoài tăng 245 hồ sơ, ủy thác tư pháp của nước ngoài gửi Việt Nam giảm 29 hồ sơ…

13 yêu cầu dẫn độ đã được Việt Nam gửi ra nước ngoài năm 2023 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ. Ảnh: Quochoi

Với hình sự, số ủy thác tư pháp Việt Nam gửi nước ngoài là 377 yêu cầu, nhận về 217 kết quả. Số yêu cầu nước ngoài gửi Việt Nam là 89, nhận về 72 kết quả. Số ủy thác tư pháp hình sự của Việt Nam gửi nước ngoài năm nay tăng 42,8% so với năm 2022 (264 yêu cầu).

Số lượng ủy thác tư pháp của nước ngoài gửi Việt Nam giảm nhưng tỷ lệ giải quyết tăng 12%.

Theo báo cáo, việc thực hiện yêu cầu về dẫn độ, số liệu của Bộ Công an cho thấy, năm 2023 Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ. Bộ Công an đang tiếp tục trao đổi với phía đối tác để hoàn thiện, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao 2 đối tượng yêu cầu dẫn độ cho Liên bang Nga.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã nhận 4 yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù từ Việt Nam ra nước ngoài và và gửi đi 40 yêu cầu chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Lê Thành Long, cơ quan công an cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng chuyển giao 3 phạm nhân về nước tiếp tục thi hành án phạt tù.

Chính phủ cho rằng, nhiều ủy thác tư pháp có kết quả đã thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và địa phương tuy nhiên, tỷ lệ ủy thác tư pháp có kết quả chưa được cải thiện nhiều.

Theo báo cáo, thời hạn phía nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp hình sự chưa đáp ứng được yêu cầu về nội dung cũng như thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; các yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản ở nước ngoài vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Công tác phối hợp liên ngành trong tổng kết, đánh giá tình hình cũng được nhìn nhận đôi khi chưa kịp thời; hoạt động kiểm tra tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hìnhh phạt tù tại các cơ quan địa phương chưa triển khai thường xuyên.

Theo báo cáo, để khắc phục hạn chế, bất cập, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ và đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục tăng cường trách nhiệm, sự chủ động của mỗi cơ quan chủ trì hoàn thành đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và chuẩn bị xây dựng các dự án luật sau khi được đưa vào chương trình…

Trong báo cáo mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng ký, báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết 134/2020 của Quốc hội khóa XIV từ đầu khóa XV đến kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực tư pháp, lý do tồn đọng, kéo dài các vụ việc bồi thường oan sai đã được nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, công tác giải quyết bồi thường còn khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan ở trung ương và địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin, tình hình. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện hoạt động giải quyết của các cơ quan quản lý chưa được các cơ quan giải quyết bồi thường nghiêm túc kịp thời thực hiện.

Cơ quan giải quyết bồi thường trong một số trường hợp chưa thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện thụ lý, giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường. Số vụ việc yêu cầu bồi thường được giải quyết xong chưa nhiều; một số vụ việc còn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến tồn đọng, kéo dài.

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, một số vụ việc xảy ra cách đây nhiều năm, hồ sơ vụ án không đầy đủ, thất lạc hoặc không còn lưu trữ, các tài liệu liên quan đến việc xác minh thiệt hại không đầy đủ, thống nhất.

Cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được việc giao nhận văn bản, quyết định xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem