14 lãnh đạo Sở GDĐT chưa đủ tiêu chuẩn chức danh

Thứ bảy, ngày 31/12/2022 16:41 PM (GMT+7)
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại tại một số đơn vị còn thiếu sót, chưa đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh.
Bình luận 0

Thanh tra chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo từ 1/1/2014 đến 31/12/2018 tại 1 số đơn vị. Cụ thể:

14 lãnh đạo Sở GDĐT chưa đủ tiêu chuẩn chức danh - Ảnh 1.

Sở GDĐT tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Website Sở GDĐT

Ngoài thanh tra tại Bộ GDĐT về sách giáo khoa và việc quản lý triển khai, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo.

Thanh tra Chính phủ cũng thực hiện thanh tra tại 5 Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông) và 12 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau): về đội ngũ nhà giáo, hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, biên chế sự nghiệp và về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục.

Theo Thanh tra chính phủ, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của một số đơn vị vẫn còn thiếu sót, vi phạm:

Bổ nhiệm lần đầu quá tuổi bổ nhiệm, bổ nhiệm nhưng còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh theo quy định, bổ nhiệm không có trong quy hoạch (Gia Lai 114 trường hợp, Kon Tum 28 trường hợp, Bình Định 63 trường hợp, Long An 113 trường hợp, Tiền Giang 250 trường hợp, Đồng Tháp 200 trường hợp, Kiên Giang 134 trường hợp và Cà Mau 69 trường hợp).

Bổ nhiệm 14 trường hợp là lãnh đạo Sở GDĐT nhưng chưa đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở GDĐT do Bộ GDĐT quy định (Long An 2 trường hợp, Tiền Giang 3 trường hợp, Đồng Tháp 4 trường hợp, Kiên Giang 1 trường hợp, Cà Mau 4 trường hợp).

Riêng Sở GDĐT tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2014-2018 đã được nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong thực hiện các quy định của pháp luật về thực thi nhiệm vụ. Qua đó, phát hiện nhiều thiếu sót, khuyết điểm và vi phạm liên quan đến công tác cán bộ.

Tuy đã có yêu cầu Sở GDĐT kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nhưng chưa được Sở GDĐT tiếp thu nghiêm túc, chậm thực hiện, thực hiện không đầy đủ, dẫn đến công tác bổ nhiệm, tuyển dụng vẫn tái phạm.

Cạnh đó, việc điều chuyển, tiếp nhận viên chức chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vị trí việc làm. Một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu bổ sung đội ngũ, đảm bảo cân đối về cơ cấu bộ môn. Điều chuyển giáo viên bộ môn mà các cơ sở giáo dục không có nhu cầu bổ sung hoặc đang dôi dư; nhiều bộ môn cơ sở giáo dục đề xuất bổ sung nhưng không được bố trí, sắp xếp (Sở GDĐT, UBND các huyện Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây thuộc tỉnh Tiền Giang; riêng Sở GDĐT điều chuyển 39 trường hợp không đúng quy định).

Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác chưa triệt để, như Long An 176 vị trí, Đồng Tháp 91 vị trí, Kiên Giang 94 vị trí và Cà Mau 33 vị trí.

Bên cạnh đó, theo kết luận thanh tra, việc thực hiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên của UBND các tỉnh Yên Bái, Bắc Ninh, Gia Lai, Kon Tum còn chậm. Đến cuối năm 2019 mới triển khai, phê duyệt đề án, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của viên chức giáo dục.

Một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái còn nhiều giáo viên trình độ đại học và cao đẳng đang hưởng lương hạng IV, III đủ thời gian để thăng hạng III, II, nhưng chưa được bồi dưỡng chứng chỉ hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn.

NGUYỄN QUYÊN (plo.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem