13 ngày lênh đênh trên biển, vải thiều đến Nhật Bản vẫn tươi ngon, màu sắc đẹp

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 04/07/2020 17:06 PM (GMT+7)
Sau 13 ngày lênh đênh trên biển, 2 container vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản theo đường biển đã cập bến, lưu kho thông quan. Điều đáng mừng là, về cảm quan ngoại hình quả vải thiều vẫn giữ được màu sắc tươi ngon.
Bình luận 0

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vì nhiều lý do 2 container vải thiều Việt Nam đầu tiên xuất khẩu theo đường biển sang Nhật Bản mất tới 13 ngày đi biển và lưu kho thông quan.

"Dù bị trễ mấy ngày so với dự kiến ban đầu nhưng khi mở ra, quả vải vẫn giữ được màu sắc tươi ngon, đảm bảo chất lượng" - ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết.

16 ngày lênh đênh trên biển, vải thiều đến Nhật Bản vẫn tươi ngon, màu sắc đẹp - Ảnh 1.

Lô vải thiều đi bằng đường biển sang Nhật Bản vẫn đảm bảo chất lượng sau 16 ngày.

Hai container vải thiều tươi đi bằng đường biển lần này có trọng lượng 8 tấn, do Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam làm quy trình, thủ tục xuất khẩu từ ngày 18/6, xuất phát từ cảng Hải Phòng ngày 22/6.

Theo kế hoạch, tàu sẽ cập cảng Nhật Bản trong vòng 7 ngày, tuy nhiên vì lý do khách quan nên sáng 4/7 tàu mới tới nơi.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, ngay trong sáng 4/7, toàn bộ các shop và siêu thị của Nhật đã lấy lô hàng 8 tấn vải thiều tươi của Việt Nam về để bán.

"Chúng tôi đã rất lo lắng về khâu bảo quản vải thiều khi đi bằng đường biển nhưng rất may là về cảm quan quả vải được giữ nguyên về ngoại hình, màu sắc. Nếu thành công sẽ mở ra cơ hội cho vải thiều có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật theo đường này, để giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh" - ông Hiếu nói.

Được biết, chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường biển sang Nhật Bản rẻ hơn nhiều so với vận chuyển bằng máy bay. Theo các doanh nghiệp, chi phí vận chuyển vải thiều sang Nhật Bản bằng máy bay là 3 USD/kg, trong khi vận chuyển bằng đường biển giá thành chỉ 0,02 USD/kg.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hiểu, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm (Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NNPTNT), dây chuyền xử lý vải thiều được viện nghiên cứu, hoàn thiện ngay trong mùa Covid-19, là một chamber (buồng) khử trùng thương mại đầu tiên được thiết kế theo yêu cầu từ phía Nhật Bán, trên cơ sở bám sát các đặc tính của quả vải thiều.

"Thông thường, đối với những loại trái cây khác, chúng tôi sẽ xử lý bảo quản, sau đó xử lý côn trùng và đưa đi xuất khẩu nhưng với trái vải, việc xử lý khử trùng bằng Methyl Bromide sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của trái vải nên chúng tôi buộc phải khử trùng trước, rồi mới nghiên cứu bảo quản để giữ được màu sắc tươi hồng của trái vải sau xử lý" - ông Hiểu nói.

Được biết, các cán bộ của Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch đã phải mất một tháng để xử lý bảo quản vải thiều sau khử trùng bằng một chất hoàn toàn hữu cơ do viện nghiên cứu và đã ứng dụng trên nhiều loại trái cây khác.

Ông Hiểu cho biết, với dây chuyền xử lý khử trùng bằng Methyl Bromide, trái vải thiều có thể giữ được độ tươi ngon, màu sắc trong vòng 3 tuần. 

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay Việt Nam đã xuất thành công sang Nhật khoảng 50 tấn vải thiều từ hai vùng trồng vải chính là Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem