17 con hổ Bengal ở Đồng Nai chết do nhiễm virus cúm A/H5N1, chưa chốt được phương án xử lý
17 con hổ Bengal ở Đồng Nai chết do nhiễm virus cúm A/H5N1, chưa chốt được phương án xử lý
Trần Khánh
Thứ năm, ngày 03/10/2024 12:52 PM (GMT+7)
Kết quả xét nghiệm của 2 mẫu trong số 17 con hổ Bengal bị chết ở Khu du lịch Vườn Xoài (Đồng Nai) đã dương tính với virus cúm A/H5N1. Trước đó, nhiều con hổ ở Khu du lịch Vườn Xoài đã ăn thịt gà, đầu gà nghi nhiễm bệnh.
Trước khi nhiễm bệnh và chết, nhiều con hổ ở Khu du lịch Vườn Xoài đã ăn thịt gà, đầu gà. Số thức ăn này do một công ty trên địa bàn tỉnh cung cấp.
Bác sĩ Phan Văn Phúc - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai) cho biết, có khả năng, trong đàn gà được cung cấp làm thức ăn, có con bị nhiễm bệnh, có con chưa nhiễm bệnh. Vì thế, trong cả đàn hổ cùng ăn thịt gà nhưng có con chết, có con vẫn còn sống.
Hiện, lực lượng chức năng Đồng Nai đang truy vết nguồn gốc thịt gà cung cấp cho hổ ở Khu du lịch Vườn Xoài để xác định rõ nguồn lây nhiễm; tìm giải pháp khoanh vùng, dập dịch, ngăn ngừa lây lan.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Ngô Văn Sang - Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, khu chăm sóc và nuôi dưỡng 42 cá thể hổ và 2 cá thể báo.
Nguồn gốc nhập khẩu ban đầu 12 con hổ từ Nam Phi. Sau đó, đàn hổ sinh sản, tăng lên số lượng hiện nay.
Đối với 20 cá thể hổ và 1 cá thể báo đen đã chết và bốc mùi hôi thối, Khu du lịch Vườn Xoài kiến nghị cơ quan chức năng được phép tiêu hủy nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường và dịch bệnh vì đang bốc mùi hôi thối.
Toàn bộ số hổ, báo chết này đang được cấp đông trong container. Đáng ngại là container này bị sự cố đột xuất, nhiệt độ đã tăng cao lên đến 51°C.
Container đặt trong khu vực gần khu nuôi nhốt các loài thú khác. Vì thế, nguy cơ rủi ro lây lan dịch bệnh là khó tránh khỏi nếu để tình trạng này kéo dài.
Trước đó, ngày 30/9 các sở ngành liên quan ở Đồng Nai tổ chức họp nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được cách xử lý.
Giám đốc Khu du lịch Vườn Xoài cho biết, trong quá trình nuôi dưỡng các loài thú không thể tránh khỏi sự cố giảm đàn (chết do già, yếu, do bệnh hoặc cắn nhau).
Doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý có quy chế phối hợp và hướng dẫn doanh nghiệp xử lý sự cố giảm đàn, tránh ảnh hưởng đến công tác chăm sóc và nuôi dưỡng thú cũng như chi phí của doanh nghiệp.
Long An khẳng định không có việc hổ chết do nhiễm cúm A/H5N1 tuồn ra ngoài để nấu cao
Tại Long An,đã có không ít đồn đoán, nghi ngại một số cá thể hổ chết do nhiễm cúm A/H5N1 ở vườn thú Mỹ Quỳnh bị tuồn ra ngoài để nấu cao, khiến dư luận lo lắng.
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT khẳng định không có chuyện này. Theo bà Khanh, hổ là loài động vật quý hiếm, được Chi cục Kiểm lâm theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.
Các biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêu hủy được áp dụng đúng với quy trình dập ổ dịch cúm A/H5N1. Các cá thể chết đã được tiêu hủy theo hình thức chôn lấp, khử trùng, kiểm tra, giám sát đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong suốt quá trình tiêu hủy hổ và sư tử chết đều có lực lượng kiểm lâm cùng thú y kiểm đếm, chứng kiến theo quy định.
Theo bà Khanh, đây là lần đầu tiên phát hiện bệnh cúm gia cầm lây lan qua các loài mèo lớn. Cơ quan chức năng đề nghị vườn thú không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có hổ, sư tử bệnh chết trong thời gian này.
Ngoài việc trang bị bảo hộ cho người chăm sóc tại vườn thú, những người đã tiếp xúc gần với hổ chết phải theo dõi tình hình sức khỏe 21 ngày, kể từ ngày tiếp xúc lần cuối.
Hiện, vườn thú Mỹ Quỳnh còn 14 con hổ vàng, 7 con hổ trắng, 8 con sư tử và 1 con báo đốm khỏe mạnh. Theo báo cáo từ vườn thú, số hổ, sư tử chết này gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.