18 chủ trương giúp người dân nơi này thoát nghèo hiệu quả

H. Hoàng – K.Lực Chủ nhật, ngày 29/11/2020 19:00 PM (GMT+7)
Ngọc Chiến - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Mường La (Sơn La) - đang có sự “thay da, đổi thịt” từng ngày nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, chăn nuôi và trồng cây ăn quả.
Bình luận 0

Hiệu ứng tích cực từ "Ngày thứ 7 với dân"

Từ đầu năm đến nay, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ xã Ngọc Chiến ban hành 18 chủ trương trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, chủ trương thứ 18 là "Ngày thứ 7 với dân" thì diện mạo nông thôn, đời sống người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo có sự thay đổi rất nhiều.

Khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo (bài 3): Xã nghèo “thay da, đổi thịt” - Ảnh 1.

Con đường sáng đẹp ở Ngọc Chiến. Ảnh: P.V

Xã Ngọc Chiến có 2.053 hộ dân, 10.796 nhân khẩu với 4 dân tộc Thái, Mông, La Ha, Kinh cùng chung sống. Người dân nơi đây sống dựa vào làm nông nghiệp là chủ yếu (chiếm 92% dân số) nên bình quân thu nhập đầu người năm 2019 đạt khoảng 8,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 28%.

Ngày 5/12/2019, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã ban hành Nghị quyết số 65-NQ/ĐU về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, du lịch trên địa bàn với 18 chủ trương đều hướng về nhân dân, nhân dân là chủ thể và trực tiếp thụ hưởng.

Để triển khai 18 chủ trương, Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã thành lập 15 tổ công tác (tương ứng với 15 bản) đại diện cho Ban Thường vụ Đảng ủy, trực tiếp cùng người dân tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà xã giao cho từng bản.

Hàng tháng vào ngày thứ 7 của tuần thứ 4, các tổ công tác bắt buộc phải có mặt ở cơ sở mình phụ trách và trực tiếp làm việc cùng với dân, đồng thời hướng dẫn bà con cách trồng nếp tan, trồng cây ăn quả, trồng cỏ voi, vệ sinh môi trường…

Hôm đến Ngọc Chiến, chúng tôi có dịp theo chân anh Quàng Văn Păn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ngọc Chiến, Tổ trưởng Tổ công tác số 15, xuống bản Kẻ để hướng dẫn người dân đào hố, trồng hoa ban ven đường.

Theo anh Păn, sau mấy tháng thực hiện chủ trương "Ngày thứ 7 với dân", hiệu quả đầu tiên dễ nhận thấy là nếp nghĩ, cách làm của người dân bản Kẻ đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, 41 hộ là đồng bào người La Ha ở đây đã biết giữ gìn vệ sinh môi trường, làm nhà vệ sinh, di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn…

Trước đây, 100% số hộ dân nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, nhờ hiệu quả từ chủ trương "Ngày thứ 7 với dân", chỉ trong vòng mấy tháng nay, 90% hộ dân bản Kẻ đã di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn.

Bên cạnh làm tốt công tác vệ sinh môi trường, người dân bản Kẻ còn tích cực chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả sang trồng mận, nếp tan, cỏ voi, tăng đàn gia súc.

Ông Lò Văn Áng (ở bản Mường Chiến) cho biết: "Cách đây 5 năm, gia đình tôi cũng như các hộ dân ở bản Mường Chiến này đều thả rông trâu. Bởi vậy, trâu rất gầy và hay bị chết. Đỉnh điểm, năm 2014, xảy ra đợt rét kỷ lục, làm hơn 600 con trâu, bò trong xã bị chết…

Khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo (bài 3): Xã nghèo “thay da, đổi thịt” - Ảnh 3.

Người dân xã Ngọc Chiến thực hiện mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng.

Từ khi được Tổ công tác tuyên truyền, vận động trồng cỏ voi, nuôi trâu nhốt chuồng, đàn trâu của gia đình ông Áng và bà con trong xã rất khỏe mạnh, nhanh lớn. "Đầu tháng 3 vừa rồi, tôi vừa xuất bán một con trâu mộng nặng khoảng 700kg cho thương lái ở Yên Bái và thu được 100 triệu đồng. Trước đây, nuôi trâu thả rông, mỗi con đực chỉ bán được từ 30 - 40 triệu đồng. Giờ chuyển sang nuôi trâu nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần" - ông Áng phấn khởi nói.

Theo lãnh đạo xã Ngọc Chiến, vài năm trở lại đây, xã Ngọc Chiến đã trở thành cơ sở có mô hình điểm trong phát triển đại gia súc theo phương thức nhốt chuồng để các cơ sở khác trong huyện Mường La đến thăm quan và học tập kinh nghiệm.

Những tuyến đường "0 đồng" sáng đẹp

Nhờ biết phát huy nội lực của người dân, xã Ngọc Chiến đã giải phóng nhanh nhiều tuyến đường mà không tốn bất kỳ một đồng ngân sách nào của Nhà nước. Tổng diện tích đất người dân hiến để mở rộng 2 tuyến đường: Tuyến đường từ hồ Nậm Hoi đến gốc cây gạo bản Phày, tuyến đường từ gốc cây gạo bản Phày đến mó nước nóng bản Lướt là 31.500m2.

"Tuyến đường bản Phày - bản Lướt ban đầu chỉ rộng từ 3,5m, sau khi chủ trương được Tổ công tác đưa vào cuộc sống, con đường này được mở rộng lên 16m. Tất cả đều do nhân dân hiến đất, người dân tự làm. Bình thường, để triển khai những con đường này phải hết vài tỷ đồng, nhưng chúng tôi gọi đây là những dự án không đồng vì không tốn một đồng nào từ ngân sách nhà nước" - ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Lèo Văn Lả - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ngọc Chiến cho biết, lúc mới ban hành chủ trương, việc lãnh đạo xã trăn trở nhất là làm sao để vận động, thuyết phục người dân hiến đất hoàn thành các tuyến đường này.

"Bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực, hợp lòng dân, mà ở đây là trách nhiệm nêu gương của những "hạt nhân" là cán bộ, đảng viên trong xã trước quần chúng, việc hiến đất, mở rộng các tuyến đường đã được hoàn thành một cách nhanh chóng. Đến giờ, ngẫm lại chúng tôi vẫn không tin nổi là xã và nhân dân Ngọc Chiến lại làm được những tuyến đường này mà không tốn một đồng ngân sách nhà nước" - ông nói.

Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường, trồng hoa trên các tuyến đường, xây dựng mô hình homestay để phát triển du lịch cộng đồng được triển khai một cách mạnh mẽ… Đây là những là những minh chứng rõ nét nhất cho thấy các chủ trương của Đảng bộ xã Ngọc Chiến đã từng bước đi vào cuộc sống.

Đối với chủ trương "Thắp sáng bản làng", xã Ngọc Chiến giao chỉ tiêu 2 tháng phải hoàn thành. Sau đó các tổ công tác trực tiếp về ở với dân, về với các bản tuyên truyền, vận động người dân không nên trông chờ, ỷ lại từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi đã được đả thông tư tưởng, tất cả các hộ dân đều tự nguyện làm cột điện, mua bóng điện.

Đến nay, toàn xã có 2.176 hộ dân thì có tới 2.007 cột đèn điện sáng về đêm. Thời gian thắp sáng từ 18 giờ 30 đến 21 giờ 30, người dân cũng tự bỏ tiền ra để thanh toán. "Bây giờ đến trung tâm xã và một số bản, buổi tối đẹp long lanh như một thị trấn" - ông Bùi Tiến Sỹ phấn khởi nói.

Đánh giá về 18 chủ trương của Đảng bộ xã Ngọc Chiến, ông Nguyễn Việt Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: "Đây là một việc làm rất tốt để gắn kết giữa cán bộ, đảng viên với lại quần chúng nhân dân".

Theo ông Chiến, nếu như trước đây, người dân nhìn thấy cán bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng thì bây giờ cán bộ trực tiếp về với người dân, cùng người dân, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội.

Tập thể cán bộ xã Ngọc Chiến đã nghĩ ra nhiều việc làm cụ thể, sáng tạo phù hợp với thực tế nên được người dân đồng tình, ủng hộ cao. Từ đó, huy động được nguồn lực trong nhân dân để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã.

"Lãnh đạo huyện đã lên làm việc với Ngọc Chiến nhiều lần về những chủ trương này và khẳng định đến thời điểm này là thành công. Trong thời gian tới, chắc chắn huyện sẽ nhân rộng sang các xã khác" - ông Chiến nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem