Yên tâm với sản phẩm trong chuỗi
Chuỗi liên kết nông sản sạch có lẽ không còn là hiện tượng mới tại Hà Nội. Sau một thời gian xây dựng và triển khai, chuỗi liên kết nông sản sạch tại Hà Nội đã khẳng định được chất lượng và gây dựng được lòng tin của người tiêu dùng Thủ đô. Mô hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo chuỗi đã và đang chứng minh qua hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng của chính các sản phẩm trong hệ thống.
Người tiêu dùng an tâm với các sản phẩm được liên kết theo chuỗi. Ảnh: T.H
Sau gần 3 năm triển khai phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội, đã hình thành được 60 chuỗi liên kết ATTP với 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi nguồn gốc trồng trọt. Trong đó, 10 chuỗi rau thịt với 7 cơ sở chế biến, mở 13 điểm bán được xác nhận sản phẩm ATTP. Phối hợp với các tỉnh triển khai mô hình quản lý ATTP theo chuỗi như rau củ Hoà Bình, đặc sản Sơn La, chuỗi rau Đà Lạt, thịt Dabaco…
|
Tại cửa hàng thực phẩm sạch BigGreen, chị Nguyễn Thị Nhàn, quận Hoàng Mai, Hà Nội cùng chồng lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Chị Nhàn cho hay: “Trước kia, vì lo lắng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) nên gia đình tôi phải mang thực phẩm ở quê lên. Mỗi lần đi về là lại túi to, túi nhỏ, rất bất tiện. Khi biết đến các sản phẩm được liên kết chuỗi được cơ quan chức năng giám sát, gia đình tôi cũng thay đổi thói quen. Ra các điểm bán hàng thực phẩm an toàn để mua, vừa tươi ngon vừa yên tâm”.
Sau gần 3 năm triển khai chương trình phát triển chuỗi rau, thịt an toàn trên địa bàn TP. Hà Nội, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thông qua việc xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bước đầu đã hình thành các điểm bán nông sản rau, thịt an toàn được kiểm soát theo chuỗi, được giám sát thường xuyên và nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng. Từ chỗ chỉ có 180 dòng sản phẩm, đến nay tại Hà Nội đã có khoảng 1.800 mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch của các địa phương được bày bán ở 142 điểm phân phối, với sự tham gia của 52 doanh nghiệp (DN).
Cụ thể, Hà Nội đã hình thành được 3 chuỗi tiêu thụ rau hoạt động hiệu quả cung cấp cho Hà Nội và các khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố lân cận như: Chuỗi tiêu thụ rau hữu cơ của Công ty Tâm Đạt, Công ty Home foor, Công ty Nông sản ngon, Công ty Vina GAP; chuỗi tiêu thụ rau của Công ty CP XNK Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á; chuỗi tiêu thụ rau của Công ty TNHH Aki Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong chăn nuôi được xây dựng, hiện cũng đang cung cấp ổn định cho người tiêu dùng thành phố như: Chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, cung cấp cho thị trường trên 0,33 tấn/ngày; chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn sinh học Liên Việt (Phúc Thọ); chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F, mỗi ngày cung cấp và tiêu thụ 2,74 tấn thịt lợn; 2,05 tấn thịt gà và 100.000 quả trứng gà...
Chương trình chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội sẽ được triển khai trong 5 năm (2015 – 2020). Sản phẩm từ các tỉnh sẽ được tiêu thụ tại chợ đầu mối, các cơ sở phân phối, nơi tiêu thụ sản phẩm lớn như bếp ăn tập thể, trường học, siêu thị, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Thủ đô.
Phát triển chuỗi bền vững
Đến nay, các chuỗi vẫn duy trì và không ngừng phát triển về số lượng tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng các chủng loại hàng hóa. Làm thế nào để các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn có thể phát huy hiệu quả tốt và đảm bảo sự bền vững, ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho rằng: Không chỉ tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở, DN ở những địa phương khác, đối với các DN trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng tại “đầu ra” Hà Nội như BigGreen cũng mong muốn kéo dài sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, điển hình như hỗ trợ DN đối với chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm sử dụng bộ mã Qrcode. Ngoài ra, việc hỗ trợ DN trong chứng nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi cũng cần được hỗ trợ thêm, bởi đối với phân tích đa dư lượng một mẫu rau chi phí lên tới 7,5 triệu đồng. Thông thường một tháng DN phải phân tích 3 mẫu, nếu không được hỗ trợ, chi phí khá lớn.
“Ở đây DN không mang tâm lý ỷ lại mà mong muốn kéo dài sự hỗ trợ trong khoảng vài năm nhằm tạo sự ổn định, tạo thói quen tiêu dùng cho người dân. Sau đó, dù không có hỗ trợ nữa, DN cũng có thể cân đối các yếu tố để tiếp tục duy trì hoạt động như bình thường”- ông Hưng chia sẻ.
Theo ông Chu Phú Mỹ, đứng từ góc độ quản lý, Sở NNPTNT Hà Nội đã đề xuất, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chính sách hỗ trợ vùng sản xuất, hỗ trợ các DN tham gia chuỗi nông sản để tạo ra sự liên kết giữa các địa phương với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng tri thức cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế. Các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.