Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều cho biết, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và hội nhập. Để đáp ứng được yêu cầu này, phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là chìa khóa thành công. Thông qua hội thảo, Hội đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực của nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững…
Ông Helmut Born - nguyên Tổng Thư ký Hội ND Đức phân tích những đặc điểm tự nhiên của Việt Nam và Đức, từ đó đưa ra so sánh về quá trình sản xuất nông nghiệp của 2 nước. Theo ông Helmut Born, ở Đức có khoảng 287.000 trang trại, diện tích trung bình của 1 trang trại gia đình là 58ha. Với diện tích trang trại rộng lớn, nông dân Đức sản xuất theo chuỗi từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ… Còn ở Việt Nam có hàng triệu trang trại nhưng diện tích trung bình chỉ là 0,5ha/trang trại. Đây là khó khăn, thách thức của nông nghiệp, nông thôn trong hội nhập…
Chia sẻ quan điểm với ông Helmut Born, TS Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, hiện nay đa số nông dân Việt Nam là tiểu nông, quy mô đất đai nhỏ bé, quan hệ liên kết rời rạc và tiếp cận thị trường yếu. Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp sẽ chiếm 8-9% GDP; lao động nông nghiệp chiếm 25-30% tổng lao động xã hội… ông Sơn cho rằng cần các giải pháp đồng bộ.
Cụ thể, theo ông Đặng Kim Sơn, các nông hộ chuyển từ tiểu nông sang kinh tế trang trại, từ sản xuất rời rạc sang liên kết. Các doanh nghiệp tư nhân cần phát triển với việc giảm ký hợp đồng với từng hộ; giảm thu mua qua đại lý; giảm mua sản phẩm không xuất xứ rõ ràng và cần tăng hợp tác với nông dân thông qua hợp đồng; hỗ trợ thành lập HTX; tăng tiêu thụ sản phẩm…/.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.